Tăng tốc cùng Ninja và những người bạn để tận hưởng niềm vui chiến thắng
Truyện Kiếm Hiệp
Biên hoang truyền thuyết
Hồi 33
Phì Thủy chi chiến
Thùng! Thùng! Thùng!
Trống trận từng hồi từng hồi vang dội, chậm rãi mà trầm ổn hữu lực. Trước khi trời sáng đội ngũ đã tề chỉnh chờ xuất phát, trời vừa sáng lệnh truyền Bắc Phủ đại quân kéo ra khỏi Hạp Thạch thành, đội hình nghiêm cẩn tiến đến bãi đất bằng bên bờ đông Phì Thủy bố trí thành trận thế.
Bắc Phủ binh nhân số bảy vạn năm ngàn khí thế hừng hực, gồm tám ngàn kỵ binh, còn lại là bộ binh, xếp thành thế trận hình chữ nhật kéo dài theo bờ sông. Tám ngàn đột kỵ chia thành ba tổ, hai tổ hai bên tả hữu gồm hai ngàn người, bốn ngàn tinh kỵ chủ lực bố trí ở giữa, ngoài ra bộ binh chia thành hai đội, mỗi đội chừng ba vạn sắp xếp ở giữa các đội kỵ binh, mỗi đội lại chia thành ba tổ tiền, trung, hậu. Tiền tổ dùng lính tiễn thủ mang khiên làm chủ, hai tổ còn lại trang bị khí giới đao kiếm chuyên để cận chiến, phối hợp với khí giới dài, có thể chiến đấu ở cả tầm xa và gần. Bất luận kỵ sĩ hay đao thủ đều mang giáp nhẹ thuận tiện cho việc vượt sông huyết chiến.
Mười hai lá đại kỳ bố trí dọc theo bờ sông, theo gió tung bay, uy phong lẫm liệt, các binh sĩ Bắc Phủ binh hiểu rõ trong số sáu lá đại kỳ thêu chữ “Bắc Phủ”, lá đại kỳ màu hồng bạch chính thị tiêu kỳ mệnh lệnh mau chóng vượt sông mang tên “Khoái tiệp phương thức”.
Bên bờ đối diện Hồ quân âm thanh đây đó vang lên, Đê Tần đại quân đã bắt đầu điều động, từ Thọ Dương và doanh trại bốn phía kéo ra, tập kết tại cánh đồng hoang rộng lớn bên tây ngạn Phì Thủy.
Phù Kiên đã xuất tận nhân lực, kỵ binh mười tám vạn, bộ binh sáu vạn, tổng binh lực gấp ba lần Bắc Phủ binh, thanh thế hùng hổ, cung cách oai phong, tuyến đầu sử dụng ba vạn kỵ binh bố trận cách Phì Thủy trăm bộ, hai bên đều có năm ngàn kỵ binh hỗ trợ, thuẫn bài che kín, thêm vào cung cứng tên mạnh, kích dài câu khỏe, thực lực đủ để đập nát bất cứ hành động nào của Bắc Phủ binh toàn lực vượt sông qua đây.
Vì quân số đông, ngoại trừ bộ binh bố trí ngang phía trước theo thế trận phòng ngự, mười sáu đội kỵ binh phía sau sắp thành trận thức hình vành trăng, mỗi đội chừng vạn người, hình thành đội hình ken dày trong một hình bán nguyệt hướng cung tròn sang phía đối ngạn,
thu hẹp tuyến phòng ngự thành một thể chặt chẽ, khi phản kích có thể bộc phát lực lượng hết sức quyết liệt.
Còn lại ba vạn bộ binh lưu lại giữ Thọ Dương, đương nhiên tùy thời có thể y lệnh xuất thành trợ chiến.
Lưu Dụ theo Tạ Huyền cùng Tạ Thạch, Tạ Diễm, từ sơn thành phóng ngựa xuống, hai bên vẫn còn đương bài binh bố trận.
Lưu Lao Chi và Hà Khiêm đã sớm đưa các tướng lãnh ra tuyến đầu chỉ huy đại quân tiến thoái.
Lưu Dụ kềm ngựa đứng lẫn trong đám thân binh của Tạ Huyền, tâm tình hưng phấn, thực khó mà so sánh. Sống đến ngày hôm nay, gã lại lần đầu tiên tham dự một trận chiến đại quy mô như thế này, trong lòng không chút lo sợ hay bất an, chẳng phải vì gã không sợ chết, mà căn bản không nghĩ đến trường chính diện quyết chiến này có thể thất bại.
Trong số tướng sĩ Bắc Phủ binh, trừ Tạ Huyền ra, sợ chỉ có duy nhất gã hiểu rõ để đạt được cục diện như trước mắt này thực không dễ chút nào, mà nhờ Tạ Huyền tận tâm tận lực khéo thi hành kỳ mưu diệu kế, một tay ra sức mới nên.
Mắt thấy phía trước Tạ Huyền như hạc giữa đàn gà, một thân trang phục bạch y nho sĩ không mang giáp trụ, gã có cảm giác tình cảm dâng trào, nghẹn ngào muốn khóc.
Ngoảnh nhìn về phía nam, duy chỉ có đôi vai rộng rãi của Tạ Huyền, mới đủ sức gánh vác trách nhiệm nặng nề quyết định an nguy tồn vong của đại Tấn, cũng chỉ có ông mới có thể khiến tướng sĩ đồng lòng, khẳng khái hy sinh.
Lưu Dụ tin tưởng hiện thời trên chiến trường, mỗi cá nhân Bắc Phủ binh đều mang niềm tin như gã rằng Tạ Huyền sẽ lãnh đạo bọn họ đi trên con đường thênh thang chiến thắng. Tạ Huyền chính là hình ảnh hóa thân của Tạ An trên chiến trường, cho dù Phù Kiên dốc tận nhân lực tới đây, cũng không cách gì đánh bại Tạ Huyền.
Từ lúc đầu, Tạ Huyền đã phát hiện Phù Kiên điều quân hết sức thất cách, tiền quân hậu quân cách nhau ngàn dặm, tinh kỳ xa tít tắp, chiến tuyến kéo ra quá dài, mà lại có ý khinh địch, cho rằng có thể như thu phong tảo lạc diệp dễ dàng đánh bại nam Tấn, đâu biết đã để cho Tạ Huyền nắm thế hoàn toàn chủ động, trăm vạn đại quân chỉ có chừng gấp ba quân số Bắc Phủ binh cùng nhau tranh phong.
Trong thời khắc này, Lưu Dụ cảm giác hoàn toàn nắm chắc bí quyết trở nên một vị thống soái của Tạ Huyền, có thể thực hiện được hay không là một chuyện khác, ít ra cũng nắm vững pháp môn bên trong.
Bờ bên kia một đám tinh kỳ đang từ từ di động trong đại dương mênh mông kỵ binh, rõ ràng là Phù Kiên cùng các thân binh thân tướng của y, đang tiến lên phía trước, coi rõ cục thế bên sông.
Tạ Huyền cuối cùng đã kềm ngựa bên bờ đông, Bắc Phủ binh ở trận địa men theo bờ sông lập tức bùng lên những tiếng reo hò hoan hô, người người đều hô to Tạ Huyền đại soái, sĩ khí lập tức dâng lên đến cực điểm. Đối với họ mà nói, Tạ Huyền đã không chỉ là một vị lãnh tụ, mà còn là một vị thiên thần nhất định sẽ mang thắng lợi đến cho họ.
Tạ Huyền vẫn thần thái tự nhiên, ung dung đại độ, hốt nhiên vung quyền kích thẳng lên trời, mỗi lúc ông bất ngờ có động tác như vậy, lại càng làm dấy lên những tiếng reo hò kích động hơn, người người như say như dại, quên đi bao hung hiểm trên chiến trường.
Đứng giữa Tạ Huyền và Tạ Diễm là chủ soái Tạ Thạch thần sắc không hề khó chịu, ngược lại thấy điệt nhi được hoan nghênh như vậy trong lòng ông rất hoan hỉ.
Lưu Dụ bất giác càng bội phục Tạ An, ông không lo bị hiềm nghi chỉ sử dụng thân tộc, chính vì muốn để cho Tạ Huyền phóng tay mà làm, cho ông cơ hội tự do và toàn quyền chỉ huy. Nếu đổi Tạ Thạch và Tạ Diễm là người khác, Tạ Huyền cũng không thể không cố kỵ, đến mức vướng víu chân tay, không thể phát huy tinh thần và sức chiến đấu của Bắc Phủ binh đến tận cùng.
Kỵ đội trung tâm phân khai sang hai bên, nhường cho đội ngũ của Tạ Huyền xếp hàng ba như một con trường xà tự nhập vào đội hình kỵ binh, soái kỳ giương cao, hướng về Phì Thủy tiến tới, hai bên kỵ binh bạt đao hò hét vang trời, Lưu Dụ tuy biết đối tượng được hoan nghênh là Tạ Huyền ở đằng trước, cũng cảm giác được chung niềm vinh dự, toàn thân nhiệt huyết trào dâng.
Đối với mỗi chiến sĩ Bắc Phủ đang có mặt bên bờ sông mà nói, trận này không nghi ngờ gì nữa, là để bảo vệ gia đình giữ yên tổ quốc, ra trận vì chánh nghĩa, mục tiêu chính đáng, từ đó sinh ra quyết tâm và dũng khí chỉ tiến không lui.
Ngược lại ở bên đối ngạn, tuy binh lực hơn hẳn, nhưng sức lao lực kiệt, đặc biệt ngoài Đê tộc ra, chiến sĩ các tộc khác căn bổn không biết bản thân vì sao lại có mặt ở đây? Vì cái gì mà chiến đấu?
Mặt sông Phì Thủy ba mươi trượng, dưới ánh sáng vầng thái dương mới mọc chiếu xuống lấp lánh, cách ly song phương đối địch rõ ràng, nước sông êm đềm trôi, đối với trận đại chiến sắp nổ ra điềm nhiên không cần biết.
Bỗng nhiên một hồi trống trận dồn dập và mãnh liệt vang lên thấu tận trời xanh, nguyên lai Tạ Huyền đã cùng chúng tướng đi tới bên sông, xa xa quan sát địch trận.
Phù Kiên ngồi thẳng trên lưng ngựa, xung quanh là Phù Dung, Khất Phục Quốc Nhân, Lữ Quang cùng chư tướng đi tới phía sau trận địa bộ binh trang bị cung tiễn và khiên, hướng về đối ngạn nhìn sang, mục quang dừng lại ở tấm bạch y trắng như tuyết trên thân Tạ Huyền, không giống bất kỳ ai khác, song mục sát cơ đại thịnh, trầm giọng nói: “Kẻ mặc bạch y kia phải chăng là tiểu tử không biết trời cao đất dày đó?”.
Phù Dung gật đầu: “Chính là Tạ Huyền”.
Một cơn gió mạnh tràn qua, phía sau Phù Kiên mấy lá đại kỳ bay phần phật.
Trong tâm Phù Kiên nổi lên hào tình vạn trượng, quên luôn chuyện quân Lương Thành bại trận, cười lạnh: “Ta lại cứ nghĩ y ba đầu sáu tay gì, té ra chỉ là một tiểu tử miệng còn hôi sữa ra đến chiến trường mà vẫn làm bộ ăn mặc theo kiểu phong lưu danh sĩ, với Bắc Phủ binh bé mọn trong tay dám to tiếng không ngượng mồm, ta phải khiến y phải táng thây Phì Thủy mới nghe”.
Phù Dung nhìn sang đối ngạn thấy Tạ Huyền uy phong như thiên tướng, Bắc Phủ binh sĩ khí như triều dâng, rất muốn đề tỉnh Phù Kiên không nên khinh địch, bất quá lại không phải lúc thích hợp, đành uyển chuyển nói: “Tạ Huyền thực chất không đủ thực lực vượt sông tiến công, ta chỉ cần lấy tĩnh chế động, trận này chắc chắn sẽ thắng”.
Đám Khất Phục Quốc Nhân nghe lời biết có ngụ ý, nhao nhao gật đầu đồng ý, địch càng không thể công ta, ta càng không nên công địch.
Lữ Quang nhớ đến độ sâu của lòng sông, cười gằn: “Nếu Tạ Huyền dám xua quân độ hà, chúng ta sẽ chờ chúng vượt sông đến giữa chừng liền tiến công để chúng trở tay không kịp, rồi tiếp tục đuổi theo bọn chúng công sang đối ngạn, đánh chúng tan tành không còn mảnh giáp”.
Khất Phục Quốc Nhân nhíu mày: “Tạ Huyền nếu lại ngu xuẩn đến thế, chẳng ai có thể giúp y qua được kiếp nạn này”.
Chúng tướng đồng thanh cười lớn.
Ở bờ bên kia, Tạ Huyền đang hết sức lưu ý đến thần thái biểu hiện của Phù Kiên cùng chư tướng, thấy vậy hướng về Tạ Thạch và Tạ Diễm bật cười nói: “Phù Kiên trúng kế rồi! Y cho rằng có thể chiếm tiện nghi, không chủ động tiến công, đợi quân ta vượt sông giữa chừng mới phát động công kích, thật hết sức đáng cười”.
Tạ Thạch nhíu mày nói: “Phù Kiên nếu cứ án binh bất động, dù nhân mã bên ta có thể mau lẹ vượt sông, nhưng cũng chẳng thể nào phá nổi thế trận kiên cố của chúng, một khi đối phương dùng binh lực áp đảo bức bách quân ta lui về bờ nam, binh bại như núi lở, chúng ta không chừng sẽ thất bại trận này”.
Tạ Diễm ở bên cùng các tướng phía sau Lưu Dụ đều đồng ý, riêng Lưu Dụ biết Tạ Huyền tất có đối sách khác, chắc chắn sẽ không vượt sông đi tìm chết.
Tạ Huyền ung dung đáp: “Vậy phải coi Phù Kiên có hận ta đến mức lý trí bị lú lẫn hay không? Có thiết tha cầu thắng hay không?”.
Hốt nhiên hét to: “Gõ ba hồi trống!”.
Các tay trống bên bờ sông nghe lệnh, lập tức tiếng trống vang lên như sấm sét, sau ba hồi lại mau chóng trở lại yên tĩnh.
Hai bên bờ lặng lẽ như tờ, chỉ có tiếng nước chảy cùng tiếng ngựa hí đây đó.
Lưu Dụ động tâm, đoán Tạ Huyền có dụng ý khích động Phù Kiên ham lập đại công, hành động độc đoán, không cam chịu nhục, lại chủ quan khinh địch, đến cả nhân vật quan trọng như Chu Tự đang chỉ huy bộ quân ở tuyến đầu, lúc này cũng không biết trong bụng Tạ Huyền đang tính toán điều gì.
Tiếng trống vừa dứt, Tạ Huyền đã hét lớn: “Phù Kiên ngươi có dám cùng ta quyết một trận tử chiến hay không?”.
Phối hợp với âm hưởng trống trận vừa tắt, lời này của ông chẳng những uy phong bát diện, mà còn tràn ngập bá khí.
Quả nhiên bên này Phù Kiên đột nhiên nổi lôi đình, nhưng không giận mà cười nói: “Trẻ con ở nam phương, không thẹn quá lớn lối sao? nếu Đại Tần Thiên Vương ta thiếu đảm lượng, ngày hôm nay ắt không để ngươi ở đó đối trận, nếu tri cơ thì hãy lập tức hạ gối đầu hàng, ta chẳng những để ngươi toàn mạng, mà còn cho ngươi một chức quan, bằng không hối sẽ không kịp đâu”.
Bên Bắc Phủ quân lập tức phát ra một trận cười vang dội, chế nhạo Phù Kiên đạo quân tiên phong đã thảm bại mà vẫn còn dám nói những lời như vậy, chính Phù Kiên mới là kẻ to mồm không biết ngượng.
Tạ Huyền lắc đầu bật cười, hét to: “Chớ nói lời thừa, Phù Kiên ngươi vẫn chưa đáp ứng câu hỏi vừa rồi của ta, đó là ngươi có dám cùng ta quyết một trận tử chiến hay không?”. Phù Kiên giận đến mức hung quang như lửa tóe trong mắt, Tạ Huyền trước mặt tất cả mọi người trước một câu, sau một câu Phù Kiên, không hề tôn trọng y, giọng điệu không coi y ra gì, chuyện này người nhẫn nhục đến mấy cũng không thể chịu nổi, cười giận dữ nói: “Ai đang nói lời thừa? Có gan thì phóng ngựa qua đây, ta muốn ngươi thây phơi Phì Thủy”.
Tạ Huyền đã đạt được mục tiêu, nói: “Các ngươi hiện tại lập trận sát bờ nước, hẳn là muốn dùng kế lần khần, nếu có ý quyết tử một trận, sao không cho toàn quân lui ra trăm bộ, chờ quân ta qua sông quyết một trận thắng phụ. nếu không có gan, tốt nhất là ngươi hãy quay về Trường An, về đó tha hồ mà chơi bời!”.
Bắc Phủ binh nghe ông nói chuyện hứng thú, lần thứ hai cười rống lên, tiếng cười truyền vào tai Phù Kiên, biến thành nỗi sỉ nhục, Phù Kiên quay nhìn tả hữu, người nào người nấy mặt đầy sắc giận.
Thanh âm Tạ Huyền lại vọng đến: “Nếu chịu lui quân như thế, lệnh cho tướng sĩ xong xuôi, kẻ hèn này sẽ cùng ngài ôm cương mà xem xét, chẳng vui lắm sao?”.
Câu cuối cùng tràn đầy thi ý, ngữ điệu khách khí, mang bổn sắc thế gia đại tộc, không biết sao lại như đâm vào tai Phù Kiên và chúng tướng.
Phù Kiên dán mắt vào Tạ Huyền, trầm giọng nói: “Tên này chả lẽ không biết sống chết là gì?”.
Khất Phục Quốc Nhân ngạc nhiên: “Đúng lý thì Tạ Huyền không thể là cái loại hữu dũng vô mưu như thế mới phải”.
Phù Dung cũng nói: “Bên trong có thể có điều trá ngụy, xin Thiên vương thận trọng”.
Thư Cừ Mông Tốn hừ lạnh: “Có Phì Thủy cách trở, y phải cho toàn quân lội sông mà qua, ít nhất cũng cần nửa canh giờ, khi đó không cần chúng ta động thủ, chỉ cần nước ngấm vào người cùng với gió tây bắc lạnh thấu xương, chưa đến lượt chúng ta ra tay khó nhọc thì chúng đã bị lạnh cóng gần chết rồi”.
Ngốc Phát Ô Cô cũng phát biểu: “Liệu có thể nào chúng ta lui lại nhường khoảng trống, Tạ Huyền vẫn án binh bất động, rồi mới cười nhạo chúng ta không?”.
Lữ Quang gầm gừ: “Khi đó kẻ mất mặt là bọn chúng, vi thần cho rằng Tạ Huyền thực sự có ý muốn vượt sông quyết một trận tử chiến, muốn nhân lúc này quân ta hành quân đường dài, nguyên khí chưa phục hồi, lại sợ quân ta tiếp tục kéo tới đông đảo, mới nghĩ hiện tại là cơ hội tốt nhất để tiến công”.
Phù Kiên thở sâu một hơi, ngầm hạ quyết tâm, nói: “Tạ Huyền có thể múa may gì trong tay trẫm được, hiện tại song phương đối địch, mọi thứ rõ ràng, đang khi chúng vượt sông nửa chừng, ta tung quân toàn lực tiến công, trước tiên cho tiễn thủ tới bên bờ phóng
tên từ xa, chờ đến khi chúng thoái lui, mới cho thiết kỵ đuổi theo truy sát, trận này chắc sẽ toàn thắng”.
Khất Phục Quốc Nhân nói: “Lữ Quang đại tướng quân nói rất có lý, chỉ cần chúng ta tránh giao phong, khiến cho Tạ Huyền mất đi cơ hội đánh canh bạc cuối cùng, thắng lợi tối hậu tất sẽ thuộc về chúng ta”.
Phù Dung cũng nói: “Lời Quốc Nhân đáng để Thiên Vương xem xét, đại quân thực nên tiến không nên thoái”.
Phù Kiên thở ra một hơi dài, ngắt lời: “Nếu lần này bên ta không dám ứng chiến, kẻ dưới sẽ cho rằng trẫm sợ y, nếu để y thoái lui giữ Hạp Thạch, tiến công cũng không dễ, nếu theo kế hoạch của trẫm, chờ đến lúc địch vượt sông mới công kích mãnh liệt, giang sơn nam Tấn có khác gì đổ trong túi trẫm?”.
Nói xong hét to: “Trẻ con nam phương nghe đây, chúng ta sẽ lui về trăm bộ, các ngươi hãy lập tức qua sông, quyết một trận tử chiến, chớ có nói mà không làm”.
Liền đó hạ lệnh triệt thoái trăm bộ.
Bên đối ngạn Tạ Huyền thở nhẹ một hơi, quay sang tả hữu nói: “Phù Kiên quả không phụ lòng mong đợi của ta”.
Phía sau Lưu Dụ nhìn thấy lính truyền tin của địch phóng ngựa thông tri cho các đầu mục tướng sĩ, hưng phấn đến mức sởn gai ốc khắp người. Gã rốt cuộc cũng nắm được mưu lược mang lại thắng lợi của Tạ Huyền.
Thắng cũng do Phì Thủy, bại cũng do Phì Thủy.
Tạ Huyền dám chơi con bài cuối cùng, dốc toàn lực để đánh một trận là thành công, là vì đã bí mật bố trí để khoái kỵ có khả năng mau lẹ phóng qua sông; Phù Kiên sở dĩ chịu lui quân một trăm bước vì muốn thừa cơ bên mình không thể mau chóng vượt sông, hồi quân phản kích. Với quân đội của Phù Kiên nhân số lên đến hơn hai mươi vạn, tựa như một con quái vật cồng kềnh, cái đầu rất khó chỉ huy tứ chi, không cần nói đến chuyện lui lại trăm bộ, mà chỉ cần thoái lui một bước cũng đụng chạm đến hai chục vạn con người, có muốn yên một chút cũng không được, loạn cục thế nào có thể dễ dàng tưởng tượng được.
Hơn nữa, trận địa bố trí theo hình vành trăng người ngựa xen kẽ dày đặc, lúc phòng thủ không một kẽ hở, khi tiến công cũng rất có thứ tự, nhưng nếu quay đầu lùi lại, chẳng những phối hợp khó khăn, mà còn làm hỏng thế trận chu mật trước đó.
Phía Phù Kiên đương nhiên không nghĩ đến chuyện đó, cho rằng Tạ Huyền đợi đến khi bọn họ bố trí ngon lành trận thế mới, mới vượt sông quyết chiến.
Hiện tại thế chủ động tuyệt đối đã rơi vào tay Tạ Huyền, Lưu Dụ tin rằng tại thời điểm phù hợp nhất sẽ hạ mệnh lệnh qua sông tiến công.
Tạ Huyền chăm chú nhìn sang địch trận, hiệu kỳ của quân Hồ giương cao, đội kỵ binh ở phía sau bắt đầu triệt thoái, vì quân số rất đông, nên ba cánh quân xa nhất cách tuyến đầu tới nửa dặm, vượt quá Thọ Dương thành bắc. Vì khoảng cách quá lớn nên nghe không rõ lời đối đáp của Phù Kiên, không tiếp được mệnh lệnh triệt thoái trăm bộ, chắc chắn từ trên xuống dưới chẳng hiểu đầu cua tai nheo thế nào, trong dạ nghi nghi hoặc hoặc.
Phù Dung lúc này đã rời khỏi chỗ Phù Kiên, dẫn hơn chục thân binh phi lên tuyến đầu tiên, to tiếng ra lệnh cho ba vạn cung tiễn thủ do Chu Tự chỉ huy cố thủ tại chỗ, cho đến khi nào chính hắn ra lệnh mới được lui về.
Chu Tự thần sắc nghiêm trang kính cẩn, im lặng không nói gì, có thể thấy tâm tình hắn đang khẩn trương thế nào.
Tạ Huyền nhớ lại ngày nọ đã thua một ván cờ với Tạ An như thế nào, gắng giữ bình tĩnh, khẽ cười: “Phù Dung quả nhiên là người biết dùng binh, biết rõ cần phải nắm chặt tuyến đầu tối quan trọng”.
Lúc này cả đại hậu phương địch quân đều quay đầu ngựa triệt thoái về phía sau, trận thế từ ngoài vào trong vốn vững như thành đồng đã tan như mây khói.
Tạ Thạch đã khẩn trương đến mức không chịu đựng nổi, hít vội mấy hơi thở nói: “Lúc nào tiến công?”.
Tạ Huyền chợt nói: “Khi soái kỳ của Phù Kiên chuyển động, là thời khắc chúng ta đưa quân vượt sông, khắc địch chế thắng”.
Tạ Diễm theo dõi Phù Dung từ mé bên tiền tuyến phi ngựa quay lại, cùng các thân binh kềm ngựa trên tuyến đầu, chỉ cách chỗ Chu Tự hơn mười bước, cặp mắt hổ đăm đăm nhìn về phía bên mình, lo lắng nói: “Nếu quân cung thủ của địch vẫn cố thủ ở tuyến đầu, quân ta sợ không có cách nào đột phá phòng tuyến của bọn chúng, cho dù vượt sông thành công, cũng phải ngậm hờn với khoảng cách trăm bộ giữa địch trận và dòng Phì Thủy”.
Tạ Huyền nhạt giọng nói: “Bên địch trước khi sắp xếp được toàn bộ thế trận, lòng quân đã loạn, quân ta ngựa khỏe, một trăm bộ chớp mắt là vọt qua, quân cung thủ đã mất hậu phương chi viện, một quệt là tan, bại thế một khi đã thành, đối phương muốn lật ngược thế cờ cũng không có cách nào. Phù Dung tuy suy nghĩ chu đáo, muốn chờ đến khi kỵ binh ổn định thế trận, mới triệt thoái bộ binh ở tiền tuyến, đáng tiếc lại không điều Chu Tự đi, sai lầm này sẽ khiến cho Phù Kiên đánh mất giang san của y”.
Tạ Thạch nói: “Phù Kiên di chuyển rồi”.
Tạ Huyền cũng nhìn thấy hoàng kỳ của Phù Kiên di động, hai bên hai toán kỵ binh hộ vệ quay đầu thoái lui.
Toàn thể tiền tuyến đã bắt đầu di động, kể cả kỵ binh ở hai cánh, vì ngựa không thể đi giật lùi, tất nhiên phải quay đầu ngựa, vì thế mà biến thành một cánh đồng đầy cẳng chân ngựa, không ngừng lan mãi xa, cảnh tượng thật là kỳ lạ. Cảnh tượng như thế dám nói tự xưa đến nay trong các trận chiến chưa bao giờ có.
Ba vạn lính cung thủ cùng Phù Dung và Chu Tự vẫn ở lại tuyến đầu, đợi đến khi bố trí đâu ra đấy mới lui về sau. Trong hoàn cảnh này, bộ binh đương nhiên linh hoạt hơn kỵ binh. Tạ Huyền hét lớn: “Khua trống!”.
Lính cầm cờ nghe lệnh, lập tức phất cờ hiệu, mười hai lực sĩ cầm dùi trống đồng thời quật xuống mười hai cỗ đại cổ đặt ở tiền phương, theo cùng một tiết tấu, tiếng trống lập tức phát ra như sấm động chín từng trời, truyền khắp mọi góc mọi nơi trên chiến trường.
Địch quân bao gồm cả Phù Kiên đại bộ phận bị tiếng trống làm cho giật bắn mình, xôn xao quay đầu nhìn lại, hàng trăm chiến mã kinh hãi nhảy dựng lên, tình hình bắt đầu hỗn loạn.
“Rẻng!”.
Tạ Huyền bạt xuất Cửu Thiều Định Âm kiếm danh chấn thiên hạ, chỉ thấy dọc theo một bên thân kiếm có chín lỗ nhỏ, dưới ánh dương quang chiếu sáng lấp lánh, kêu to: “Các binh sĩ! Theo ta giết địch giành chiến thắng”.
Một mình một ngựa xông lên trước tiên, lao xuống dòng Phì Thủy, đạp lên con đường ngầm lấp đầy những bao đá vụn, hướng đối ngạn phi nhanh tới.
Tạ Thạch, Tạ Diễm, Lưu Dụ cùng chúng tướng đồng thanh hô lớn, theo sau lao xuống sông.
Lưu Lao Chi và Hà Khiêm dẫn tả hữu hai đạo kỵ binh cũng không chậm trễ vọt xuống sông giống như hai con rồng giận dữ rẽ nước vọt đi.
Bên địch những kỵ binh rút lui sau cùng nhất thời mất phương hướng, không biết nên quay đầu nghênh chiến hay tiếp tục thoái lui, Phù Kiên cũng đột ngột đánh mất quyền chỉ huy, vì thính giác của quân Hồ đều bị tiếng trống trận che lấp.
Trong phút chốc tiếng vó ngựa vang lên điếc tai, nước sông bắn lên tung tóe, Phù Dung tuy to tiếng hô tiễn thủ giương cung xạ tiễn nghênh địch, nhưng những tiếng kêu gào của hắn chỉ biến thành những tiếng kêu yếu ớt trong tiếng trống ầm ầm.
Đại Tần binh lòng quân rối loạn.