Tăng tốc cùng Ninja và những người bạn để tận hưởng niềm vui chiến thắng
Truyện Kiếm Hiệp
Anh Hùng Xạ Điêu
Hồi 30(a) : NHẤT ĐĂNG ĐẠI SƯ
Hai người theo đường núi đi về phía trước, không bao lâu đã tới cuối đường, phía trước là một chiếc cầu đá rộng khoảng một thước bắc qua hai ngọn núi, mây mù bao phủ, nhìn không thấy đầu bên kia. Nếu ở dưới đất thì một con đường nhỏ rộng hơn thước chẳng đáng gì, nhưng chiếc cầu đá này thì bên dưới là vực sâu, đừng nói là đi lại, chỉ nhìn xuống một cái cũng không khỏi tim đập chân run. Hoàng Dung thở dài nói:
- Vị Đoàn Hoàng gia này ở ẩn kín đáo thật, dù ai có thù hận không đội trời chung với ông ta tới đây cũng đã bớt giận một nửa.
Quách Tĩnh nói:
- Tại sao người câu cá kia lại nói Ðoàn Hoàng gia không còn trên đời nữa? Thật khiến người ta không thể yên tâm.
Hoàng Dung nói:
- Chuyện đó cũng quả khiến người ta không sao đoán được xem dáng vẻ của y thì không giống như bịa đặt lại nói là sư phụ chúng ta từng chính mắt nhìn thấy Đoàn Hoàng gia chết.
Quách Tĩnh nói:
- Đã tới bước này thì chỉ còn tiến không còn lùi.
Rồi ngồi xổm xuống cõng Hoàng Dung lên, triển khai thuật khinh công đề tung bước lên cầu đá.
Cầu đá lồi lõm không bằng phẳng lại thêm cả năm nằm giữa mây mù, trơn trượt dị thường, càng đi chậm càng dễ ngã. Quách Tĩnh đề khí rảo chân chạy mau, chạy được bảy tám trượng, Hoàng Dung kêu lên:
- Cẩn thận, phía trước gãy rồi.
Quách Tĩnh cũng đã thấy chiếc cầu đá đột nhiên gãy ở giữa, có một đoạn khuyết dài khoảng bảy tám thước, lúc ấy càng chạy mau, mượn lực vọt tới phi thân qua. Hoàng Dung trải qua nguy hiểm nhiều lần, đã sớm coi thường cái chết, cười nói:
- Tĩnh ca ca, ngươi bay không vững vàng bằng điêu nhi.
Đi một đoạn lại vọt qua một chỗ khuyết, qua bảy đoạn thì thấy phía núi đối diện có một khoảng đất rộng, chợt nghe tiếng đọc sách sang sảng, đã tới chỗ tận cùng của cầu đá, nhưng chỗ ấy lại có một đoạn khuyết cực dài, nhìn thấy cũng phải hơn một trượng, đầu bị khuyết có một thư sinh ngồi xếp bằng, tay cầm một quyển sách đang cao giọng đọc vang. Sau thư sinh kia lại có một đoạn cầu khuyết ngắn.
Quách Tĩnh chỉ đi chứ không chạy, vừa đứng lại đã cảm thấy không biết làm sao:
- Nhảy qua chỗ này vốn không khó, chỉ là người thư sinh kia ngồi chắn chỗ xung yếu, ngoài chỗ ấy thì không có chỗ nào đặt chân lấy đà được.
Lúc ấy bèn cao giọng nói:
- Vãn bối cầu kiến tôn sư, làm phiền đại thúc dẫn kiến.
Người thư sinh kia lắc đầu ngoẹo cổ đọc rất rành rọt dễ nghe, hoàn toàn không nghe thấy Quách Tĩnh nói. Quách Tĩnh đề khí cao giọng nói lần nữa, người thư sinh kia vẫn cứ lờ đi không nghe. Quách Tĩnh hạ giọng nói:
- Dung nhi, tính sao bây giờ?
Hoàng Dung nhướng mày không đáp. Nàng vừa thấy thế ngồi của người thư sinh đã biết chuyện này hoàn toàn hết cách, trên chiếc cầu đá rộng khoảng một thước mà động thủ là lập tức phân sống chết, cho dù Quách Tĩnh thắng được nhưng chuyến này là tới nhờ người ta, làm sao có thể động thủ đả thương họ?
Thấy người thư sinh kia hoàn toàn không đếm xỉa gì tới bất giác ngấm ngầm tức giận mà nghe đoạn sách y đọc chẳng qua chỉ là một bộ Luận ngữ rất bình thường, chỉ nghe y đọc:
- Cuối mùa xuân, áo xuân đã may xong, thành niên năm sáu người, đồng tử sáu bảy người, tắm ở sông Nghi, hóng gió ở Vũ Vu, ngâm vịnh mà về:
Ðọc rất hào hứng, đọc một lần lại thở dài khen ngợi mấy lần, quả đúng như đang giữa gió xuân chở ca chở múa, văn vẻ vô cùng.
Hoàng Dung nghĩ thầm:
- Muốn y mở miệng chỉ có cách lên tiếng nói khích.
Liền cười nhạt một tiếng, nói:
- Cho dù đọc Luận ngữ hàng ngàn lần mà không hiểu được lời nhỏ nghĩa lớn của phu tử cũng uổng công thôi.
Người thư sinh ngạc nhiên ngừng đọc, ngẩng lên nói:
- Thế nào là lời nhỏ nghĩa lớn, xin được thỉnh giáo!
Hoàng Dung quan sát thấy y khoảng bốn mươi tuổi, đầu đội khăn tiêu dao, tay cầm quạt tập điệp, dưới cằm có một chòm râu dài đen nhánh, đúng là dáng vẻ một bậc thạc nho túc học, bèn cười nhạt nói:
- Các hạ biết đệ tử Khổng môn có tất cả bao nhiêu người không?
Người thư sinh cười nói:
- Thế thì có gì khó? Đệ tử Khổng môn có ba ngàn người, những kẻ thành đạt có bảy mươi hai người.
Hoàng Dung hỏi:
- Trong bảy mươi hai người ấy có người già có người trẻ, ngươi biết trong đó có bao nhiêu người thành niên, bao nhiêu người là đồng tử không?
Người thư sinh ngạc nhiên nói:
- Trong Luận ngữ chưa từng nói tới, kinh truyện cũng không ghi chép.
Hoàng Dung nói:
- Ta nói ngươi không hiểu rõ lời nhỏ ý lớn trong kinh sách quả không sai mà. Mới rồi rõ ràng ngươi đọc Thành niên năm sáu người, đồng tử sáu bảy người. Năm sáu ba mươi, thành niên là ba mươi người, sáu bảy bốn hai, đồng tử là bốn mươi hai người, cộng lại thì không nhiều không ít vừa đúng bảy mươi hai người. Xem loại người như ngươi đọc sách mà không suy nghĩ, hà, thật đáng tiếc, thật đáng tiếc.
Thư sinh kia nghe nàng giải thích kinh sách khiên cưỡng như thế, bất giác nghẹn cổ cười ngất, nhưng cũng thầm phục nàng thông minh cơ trí, cười nói:
- Tiểu cô nương quả nhiên đầy bụng thi thư, bội phục bội phục. Các ngươi muốn gặp gia sư để làm gì vậy?
Hoàng Dung nghĩ thầm:
- Nếu nói tới để xin chữa bệnh nhất định y sẽ tìm đủ cách làm khó dễ, nhưng câu này lại không thể không trả lời, được rồi, y đang đọc Luận ngữ, mình cứ vớ vài câu của Khổng phu tử hỏi vặn y.
Lúc ấy bèn nói:
- Bậc thánh nhân, ta không thể được gặp vậy. Được gặp bậc quân tử, có thể vậy. Có bạn từ phương xa tới, chẳng cũng vui sao?
Thư sinh ngẩng đầu cười lớn hồi lâu mới im, nói:
- Hay lắm, hay lắm, ta đưa ra ba câu hỏi thử tài ngươi, nếu trả lời được thì sẽ dẫn ngươi đi gặp sư phụ ta, nếu có một câu không trả lời được thì mời hai vị theo đường cũ trở về.
Hoàng Dung nói:
- Ái chà, ta chưa từng đọc nhiều sách vở, câu hỏi khó quá thì ta không trả lời được đâu.
Thư sinh cười nói:
- Không khó, không khó. Ở đây có một bài thơ chiết tự bốn chữ nói về lai lịch xuất thân của tại hạ, ngươi đoán thử xem.
Hoàng Dung nói:
- Được lắm, đoán sai cũng thú, xin đọc đi?
Thư sinh vuốt râu ngâm:
- Lục kinh uẩn tạ hung trung cửu, Nhất kiếm thập niên ma tại thủ...
(Sáu kinh học thuộc khi còn nhỏ, Một kiếm mười năm tay vẫn giữ... ).
Hoàng Dung lè lưỡi nói:
- Văn võ toàn tài, quả là không kém!
Thư sinh kia cười một tiếng ngâm tiếp:
- Hạnh hoa đầu thượng nhất chi hoành, Khủng tiết thiên cơ mạc lộ khẩu. Nhất điểm khẩn khẩn đại như đẩu, Yêm khước bán sàng vô sớ hữu. Hoàn danh trực đắc quải quan quy, Bản lai diện mục quân tri phủ?
(Trên đầu hoa hạnh một cành ngang, Giữ kín thiên cơ không nói lộ: Một chấm rõ ràng lớn như đấu, Trống vắng nửa giường luống than thở. Thành danh bỏ mũ cáo quan về, Lai lịch ra sao người đoán thử?).
Hoàng Dung nghĩ thầm:
- Thành danh bỏ mũ cáo quan về Lai lịch ra sao người đoán thử. Xem dáng vẻ của ngươi thì ắt là đại thần trong triều của Đoàn Hoàng gia năm xưa, theo ông ta treo mũ từ quan rời triều về ẩn nơi rừng núi, có gì khó đoán.
Bèn nói:
- Chữ Lục thêm chữ Nhất và chữ Thập là chữ Tân. Chữ Hạnh trên thêm một nét ngang, dưới bỏ chữ Khẩu là chữ Vị. Nửa chữ Sàng thêm chữ Đại và một chấm là chữ Trạng. Chữ Hoàn bỏ cái mũ ở trên là chữ Nguyên. Tân vị trạng nguyên, thất kính thất kính, té ra là Trạng nguyên gia khoa Tân vị.
Thư sinh chợt sửng sốt, vốn nghĩ lối đố chữ ấy rất khó đoán, cho dù đoán đúng cũng phải mất nửa ngày, mà trên cái cầu hẹp thết này, thiếu niên kia võ công có cao cường hơn e cũng khó đứng được lâu, muốn khiến hai người biết khó mà lai, ngoan ngoãn trở về, nào ngờ Hoàng Dung lại như không nghĩ ngợi gì, thuận miệng trả lời bất giác kinh ngạc vô cùng, nghĩ thầm cô gái nhỏ này vốn thông minh tuyệt đỉnh, phải ra câu hỏi thật khó để làm khó, nhìn quanh thấy ở ven núi có một rặng cau, cành lá đong đưa theo gió như vung quạt múa, y là tài trạng nguyên, tức cảnh sinh tình, lúc ấy phe phẩy chiếc quạt nói:
- Ta có một vế đối, mời tiểu cô nương đối thử.
Hoàng Dung nói:
- Làm câu đối không thú bằng đoán câu đố, nhưng thôi được, nếu ta không đối xem ra ngươi cũng không cho bọn ta qua, ngươi ra vế đối đi.
Thư sinh vung quạt chỉ vào rặng cây cọ, nói:
- Gió thổi cau lay, Phật ngàn tay khua quạt tập điệp.
Vế trên của câu đối là tức cảnh, lại ngầm có ý đề cao mình.
Hoàng Dung nghĩ thầm:
- Nếu mình chỉ đối bằng sự vật mà không mang nghĩa song quan thì không thắng được.
Bèn đưa mắt nhìn quanh, chợt thấy trong khoảng đất phẳng trước mặt có một ngôi chùa nhỏ, phía trước có một ao sen, lúc ấy sắp hết tháng bảy, trên núi lạnh sớm, sen trong ao đã héo úa quá nửa, chợt động tâm cười nói:
- Câu đối thì có, chỉ sợ đắc tội với đại thúc nên không tiện nói ra.
Thư sinh nói:
- Cứ nói không sao.
Hoàng Dung nói:
- Ngươi không được giận đấy.
Thư sinh nói:
- Tự nhiên là không giận.
Hoàng Dung chỉ vào chiếc khăn tiêu dao trên đầu y nói:
- Được, câu đối của ta là sương sa sen héo, quỷ một cẳng đội khăn tiêu dao.
Câu đối vừa nói ra, thư sinh hô hô cười rộ, nói:
- Hay lắm, hay lắm, không những đối rất chỉnh mà còn rất mẫn tiệp.
Quách Tĩnh thấy trên cuống sen mang một chiếc lá héo úa, quả nhiên rất giống con quỷ một chân đội chiếc khăn tiêu dao, cũng không kìm được bật cười. Hoàng Dung cười nói:
- Đừng cười, đừng cười, ngã xuống một cái là chúng ta thành hai con quỷ không đội khăn tiêu dao đấy.
Thư sinh nghĩ thầm:
- Câu đối tầm thường nhất định không làm khó được cô ta, mình cứ ra câu đối thật khó.
Đột nhiên nghĩ tới lúc trẻ đi học, thầy dạy từng nói ra một câu đối rất khó, mấy mươi năm nay không có ai đối được thật chỉnh, biết đâu có thể làm khó nàng một phen, lúc ấy liền nói:
- Ta còn có một vế đối xin tiểu cô nương đối: Cầm sắt tỳ bà, tám đại vương thảy bày diện mạo.
Hoàng Dung nghe xong, trong lòng cả mừng:
- Trong bốn chữ cầm sắt tỳ bà có tất cả tám chữ vương, vốn là vô cùng khó đối, chỉ tiếc đây là một câu đối cũ chứ không phải do ngươi nghĩ ra. Năm trước cha trên đảo Đào Hoa nhàn rỗi vô sự đã đối qua rồi. Mình cứ làm ra vẻ khó khăn, để y đợi một lúc.
Liền cau mày làm ra vẻ nhăn nhó khổ sở. Thư sinh thấy làm khó được nàng, vô cùng đắc ý nhưng chỉ sợ Hoàng Dung hỏi ngược lại y, bèn nói trước:
- Câu đối này vốn rất khó, ta cũng không đối được thật chỉnh. Có điều chúng ta đã nói từ đầu, nếu tiểu cô nương không đối lại được, thì chỉ có cách mời về thôi.
Hoàng Dung cười nói:
- Nếu nói phải đối vế đối này thì có gì là khó, chỉ sợ vế mới rồi đắc tội với đại thúc, bây giờ vế này lại đắc tội với cả bốn vị Ngư Tiều Canh Độc nên không nói ra được.
Thư sinh không tin, nghĩ thầm:
- Ngươi mà đối được đã là thiên nan vạn nan, há lại có thể nhân dịp này chọc ghẹo cả bốn anh em ta à?
Liền nói:
- Chỉ cần đối cho chỉnh, chuyện cười cợt có gì đáng ngại?
Hoàng Dung cười nói:
- Nếu đã như thế thì ta xin lỗi trước, xin đối lại thế này: Ly mỵ võng lượng, bốn tiểu quỷ đều có ruột gan.
Thư sinh cả kinh đứng bật dậy vung tay áo một cái vái Hoàng Dung một vái, nói:
- Tại hạ bái phục.
Hoàng Dung đáp lễ, cười nói:
- Nếu không phải các vị đều dùng tâm cơ cản trở bọn ta lên núi thì vế đối này quả thật cũng khó mà nghĩ ra.
Nguyên năm xưa lúc Hoàng Dược Sư làm vế đối này thì Trần Huyền Phong, Khúc Linh Phong, Lục Thừa Phong, Mã Mặc Phong bốn đệ tử đang đứng hầu bên cạnh, y bèn lấy bốn chữ ấy để chọc ghẹo bốn người. Lúc ấy Hoàng Dung còn chưa ra đời, về sau nghe cha kể lại, hôm nay lại dùng đó để chỉ bốn người Ngư Tiều Canh Độc.
Thư sinh hừ một tiếng, quay người nhảy qua chỗ khuyết của chiếc cầu, nói:
- Mời.
Quách Tĩnh đứng yên nghe hai người so tài văn chương, chỉ sợ có câu nào Hoàng Dung không đáp được thì công lao trước đây kể như bỏ hết, nhìn thấy người thư sinh nhường đường, trong lòng cả mừng, lập tức đề khí nhảy tới, điểm chân xuống chỗ người thư sinh vừa ngồi, lại nhảy qua chỗ khuyết cuối cùng.
Thư sinh thấy y cõng Hoàng Dung vượt chỗ hiểm như đi trên đất bằng cũng thầm thán phục:
- Mình tự phụ là văn võ song toàn, nhưng thật ra văn thì không bằng tiểu cô nương này, võ thì không bằng thiếu niên này, xấu hổ ơi là xấu hổ.
Bên nghiêng mắt nhìn lại Hoàng Dung lần nữa, chỉ thấy nàng nghênh ngang đắc ý, nghĩ cô gái nhỏ này thắng được một vị trạng nguyên túc học nên không giấu được sự đắc ý nghĩ thầm:
- Mình cứ chọc ghẹo một phen để cô ta đừng đắc ý quá.
Lúc ấy bèn nói:
- Cô nương văn tài tuy cao, nhưng hành động thì có chỗ kém.
Hoàng Dung nói:
- Xin thỉnh giáo.
Người thư sinh nói:
- Trong sách Mạnh tử có câu: Nam nữ thụ thụ bất thân, đó là lễ vậy. Xem ra cô nương là một vị khuê nữ, lại hoàn toàn không phải là vợ chồng với tiểu ca này, tại sao lại để y cõng? Mạnh phu tử chỉ nói khi chị dâu chết đuối thì em chồng mới có thể nắm tay kéo lên. Cô nương đã không rơi xuống nước, lại không phải là chị dâu của tiểu ca đây mà ôm ôm ấp ấp, quả thật rất trái với lễ giáo.
Hoàng Dung nghĩ thầm:
- Hừ, Tĩnh ca ca có tốt với mình hơn, người khác cũng biết y không phải là chồng mình. Lục Thừa Phong Lục sư ca nói thế, vị trạng nguyên này lại cũng nói thế .
Lập tức chẩu môi một cái nói:
- Mạnh phu tử rất thích ăn nói bậy bạ, lời nói của y làm sao tin được.
Thư sinh tức giận nói:
- Mạnh phu tử là bậc đại thánh đại hiền, tại sao lại không tin được lời ông?
Hoàng Dung cười hề hề nói:
- Khất cái làm sao hai vợ được? Láng giềng liệu có mấy con gà? Đương thời thiên tử nhà Chu đó, Tề Ngụy sao lòng vẫn thiết tha.
Thư sinh càng nghĩ càng thấy đúng, ngẩn ra hồi lâu không đáp được.
Nguyên bài thơ ấy là của Hoàng Dược Sư làm, y chê bai Thang Vũ, coi thường Chu Khổng, đối với những lời thánh hiền truyền lại lúc rảnh rỗi lại bài bác mỉa mai, từng làm không ít thơ ca từ phú chế nhạo Khổng Mạnh. Sách Mạnh tử có chuyện nói người nước Tề có hai vợ mà đi xin cơm thừa canh cặn, lại nói có người mỗi ngày ăn cắp một con gà của người láng giềng, y bèn nói hai chuyện ấy là để lừa người. Hai câu cuối của bài thơ trên là nói vào thời Chiến quốc thiên tử nhà Chu vẫn còn, tại sao Mạnh tử không phụ tá vương thất mà lại đi gặp Lương Huệ vương, Tề Tuyên vương để cầu làm quan? Chuyện đó không khỏi có chỗ trái hẳn với đạo lý thánh hiền.
Thư sinh nghĩ thầm:
- Chuyện người nước Tề và chuyên trộm gà nguyên là ví dụ, không đáng để nói, nhưng hai câu sau cùng chỉ sợ dựng Mạnh phu tử dưới đất lên thì ông cũng khó mà tự biện hộ.
Lại nhìn Hoàng Dung một cái, nghĩ thầm:
- Còn nhỏ mà sao đã khôn ngoan quỷ quái như thế?
Lúc ấy không nói gì nữa, đưa hai người đi thẳng vào. Lúc đi qua ao sen, nhìn thấy lá sen dưới hồ, không kìm được lại nhìn Hoàng Dung một cái. Hoàng Dung phì cười một tiếng, quay đầu qua chỗ khác.
Thư sinh kia dẫn hai người vào chùa, mời hai người ngồi ở phòng phía đông, tiểu sa di bưng trà lên. Thư sinh nói:
- Hai vị tạm đợi một lúc, đợi ta vào bẩm với gia sư.
Quách Tĩnh nói:
- Khoan đã? Vị đại thúc cày ruộng kia đứng ở mép núi đỡ tảng đá lớn, không thoát thân được, xin đại thúc cứu y trước đã.
Thư sinh kia giật nảy mình, phi thân vọt đi.
Hoàng Dung nói:
- Có thể mở cái túi màu vàng ra rồi.
Quách Tĩnh nói:
- À, nếu cô không nói thì ta đã quên mất:
Vội lấy cái túi vàng xé ra, chỉ thấy trong có một tờ giấy không có chữ mà vẽ một bức tranh, trên tranh vẽ một người nước Thiên Trúc ăn mặc như lối vương giả đang dùng dao cắt thịt trên ngực mình, đã cắt hết thịt trên thân thể, máu tươi ròng ròng. Trước mặt y là một cái cân, một bên đĩa cân có một con bồ câu đậu, bên kia thì chất một đống thịt của y cắt ra, con bồ câu tuy nhỏ nhưng nặng hơn đống thịt rất nhiều. Cạnh cái cân có một chim ưng đứng, dáng vẻ hung ác. Bút pháp trên bức tranh này rất kém cỏi, Hoàng Dung nghĩ thầm:
- Bà Anh Cô này vốn chưa từng học hội họa, chữ viết cũng không kém chứ bức tranh này thì như trẻ con bôi bác ra.
Nhìn suốt nửa ngày chẳng hiểu ý tứ trong bức tranh là thế nào. Quách Tĩnh thấy nàng càng đoán càng không ra thì mình chẳng cần gì phải hao tốn tâm tư, bèn nhặt bức tranh lên cuốn lại, nắm trong bàn tay.
Chợt nghe trên điện có tiếng bước chân, người nông phu tức giận thở hồng hộc, vịn vai thư sinh từ ngoài bước vào trong, chắc y bị tảng đá lớn đè quá lâu, mệt tới mức gân cốt rã rời. Khoảng sau thời gian uống cạn một chén trà, một chú tiểu sa di chạy vào, hai tay chắp lại làm lễ, nói:
- Hai vị từ xa tới đây, không biết có việc gì?
Quách Tĩnh nói:
- Đặc biệt tới cầu kiến Đoàn Hoàng gia, xin thông báo giùm cho.
Chú tiểu sa di chắp tay nói:
- Đoàn Hoàng gia đã sớm không còn trên đời, làm hai vị phải vất vả một chuyến uổng công. Xin mời dùng cơm chay. Rồi tiểu tăng sẽ cung kính tiễn chân xuống núi.
Quách Tĩnh vô cùng thất vọng, nghĩ thầm trăm cay ngàn đắng mới tới đây được mà chỉ được nghe một câu trả lời như thế, vậy thì làm sao là hay. Nhưng Hoàng Dung nhìn thấy chùa miếu đã đoán được ba phần, lúc ấy nhìn thần sắc của chú tiểu sa di lại đoán được năm sáu phần, bèn đón lấy bức tranh trong tay Quách Tĩnh nói:
- Đệ tử là Quách Tĩnh, Hoàng Dung cầu kiến. Xin tôn sư nghĩ tới tình nghĩa cố nhân với Cửu chỉ thần cái và Hoàng đảo chủ đảo Đào Hoa mà cho gặp mặt một lần. Tờ giấy này xin làm phiền trình lại với tôn sư.
Chú tiểu sa di đón lấy bức tranh, không dám mở ra xem, chắp tay vái một vái rồi quay người vào trong.
Lần này không bao lâu y đã trở ra, cúi đầu chắp tay nói:
- Kính mời hai vị.
Quách Tĩnh cả mừng, đỡ Hoàng Dung theo y vào trong. Ngôi chùa này tuy nhìn thì thấy nhỏ nhưng bên trong lại rất sâu. Ba người đi qua một đường nhỏ lát đá xanh, lại xuyên qua một khu rừng trúc, chỉ thấy lá xanh um tùm, vô cùng u nhã, khiến người ta quên hết mọi nỗi phiền muộn. Trong rừng trúc có ba gian thạch thất, chú tiểu sa di nhè nhẹ đẩy cửa phòng, đứng tránh qua một bên, khom lưng mời hai người bước vào.
Quách Tĩnh thấy chú tiểu sa di cung kính có lễ rất có hảo cảm với y, nhìn y cười khẽ tỏ ý cảm tạ rồi cùng Hoàng Dung sóng vai bước vào, chỉ thấy trong phòng có một lò hương đặt trên bàn nhỏ, trên mấy tấm bồ đoàn bên cạnh có mấy nhà sư ngồi. Một người da dẻ đen bóng, mũi cao mắt sâu, rõ ràng là người Thiên Trúc. Một người khác mặc tăng bào bằng vải thô, hai hàng lông mi dài che rũ xuống khóe mắt, mặt mũi hiền từ, trong mắt thấp thoáng vẻ sầu khổ nhưng lại lập tức ánh lên nét tinh anh, chỉ nhìn một cái là biết. Người thư sinh và người nông phu đứng hầu sau lưng y.
Lúc ấy Hoàng Dung đã không còn hoài nghi, khẽ kéo tay Quách Tĩnh một cái, bước tới trước mặt nhà sư ông mi dài, khom người vái lạy nói:
- Đệ tử là Quách Tĩnh, Hoàng Dung tham kiến sư bá.
Quách Tĩnh trong lòng rất ngạc nhiên, nhưng lúc ấy cũng không còn thời giờ nghĩ ngợi, lập tức lạy rạp xuống đất theo nàng, dập đầu bình bình bốn cái. Nhà sư lông mi dài cười khẽ một tiếng đứng dậy đưa tay đỡ hai người lên, cười nói:
- Thất huynh thu được đệ tử giỏi, Dược huynh sinh được con gái giỏi lắm. Nghe họ nói lại.
Rồi chỉ vào người nông phu và người thư sinh:
- Hai vị văn tài võ nghệ đều vượt xa bọn đồ đệ của ta, hà hà, đáng mừng đáng vui.
Quách Tĩnh nghe lời y nói, nghĩ thầm:
- Lời lẽ này thì rõ ràng là Đoàn Hoàng gia rồi, chỉ là một vị hoàng đế sờ sờ ra đó, tại sao lại trở thành hòa thượng? Tại sao họ nói y đã không còn trên đời? Thật khiến người ta leo lên tượng Kim cương cao một trượng hai mò mãi không thấy đầu đâu. Mà sao Dung nhi lại biết y chính là Đoàn Hoàng gia?
Chỉ nghe nhà sư kia lại nhìn Hoàng Dung nói:
- Cha và sư phụ ngươi đều khỏe chứ? Nhớ năm xưa lúc tỷ võ luận kiếm với cha ngươi trên ngọn Hoa sơn thì y còn chưa cưới vợ, không ngờ một lần chia tay đã hai mươi năm, lại sinh được một đứa con gái xinh đẹp thế này. Ngươi còn có anh chị em nào không? Ông ngoại ngươi là vị anh hùng tiền bối nào vậy?
Hoàng Dung mi mắt đỏ hoe, nói:
- Mẹ con chỉ sinh được một mình con, bà đã sớm qua đời rồi, ông ngoại là ai con cũng không biết.
Nhà sư kia nói:
- A.
Rồi vỗ nhẹ vào vai nàng một cái an ủi, lại nói:
- Ta đã nhập định ba ngày ba đêm, vừa mới tỉnh lại, các ngươi tới đã lâu chưa?
Hoàng Dung nghĩ thầm:
- Xem thần sắc y có vẻ rất mừng khi gặp bọn mình, vậy thì việc cản trở không cho bọn mình lên núi suốt dọc đường đều là chủ ý của đệ tử y.
Lúc ấy bèn đáp:
- Đệ tử cũng vừa mới tới. May là được mấy vị đại thúc tìm mọi cách cản lại trên đường, nếu không thì đã tới sớm rồi, Đoàn sư bá nhập định chưa tỉnh lại thì cũng chẳng làm gì.
Nhà sư ha hả cười nói:
- Họ sợ ta gặp nhiều người ngoài. Thật ra các ngươi đâu phải là người ngoài? Tiểu cô nương mồm mép lanh lợi, nhất định là gia học uyên nguyên. Đoàn Hoàng gia đã sớm không còn ở trên đời rồi. Bây giờ ta tên là hòa thượng Nhất Đăng. Sư phụ ngươi chính mắt thấy ta quy y tam bảo, nhưng cha ngươi e còn chưa biết.
Quách Tĩnh lúc ấy mới sực hiểu ra:
- Té ra Đoàn Hoàng gia cắt tóc làm hòa thượng, người xuất gia không còn là người thế tục, nên đệ tử của ông ta nói Ðoàn Hoàng gia đã sớm không còn trên đời, sư phụ mình chính mắt nhìn thấy ông ta xuống tóc làm sư, nếu sai bọn mình tới tìm ông ta thì tự nhiên sẽ không nói là đi gặp Đoàn Hoàng gia mà nhất định sẽ nói là đi gặp Nhất Đăng đại sư. Dung nhi thật thông minh, vừa gặp ông ta đã đoán ra ngay.
Chợt nghe Hoàng Dung nói:
- Cha con hoàn toàn không biết. Sư phụ cũng chưa nói cho đệ tử biết.
Nhất Đăng cười nói:
- Phải rồi, miệng sư phụ ngươi thì vào nhiều ra ít, ăn nhiều nói ít, nhất định y sẽ không nói việc của lão hòa thượng cho người ta biết. Các ngươi từ xa tới vất vả đã dùng qua cơm chay chưa? ủa...
Nói tới đó đột nhiên giật nảy mình, nắm tay Hoàng Dung bước ra ngoài cửa để ánh nắng chiếu vào mắt nàng, nhìn kỹ một lúc, càng nhìn càng có vẻ kinh ngạc. Quách Tĩnh cho dù ngu ngốc cũng nhìn thấy Nhất Đăng đại sư đã phát giác ra Hoàng Dung đang bị trọng thương, trong lòng đau xót, đột nhiên quỳ hai gối xuống hướng về y dập đầu lia lịa. Nhất Đăng đại sư đưa tay đỡ cánh tay y một cái, Quách Tĩnh chỉ cảm thấy một luồng đại lực nâng người y lên, không dám vận kình chống cự, nương theo luồng kình lực từ từ đứng lên, nói:
- Xin đại sư cứu mạng cho nàng!
Nhất Đăng mới rồi nâng một cái, nửa có ý bảo y không cần đa lễ, nửa có ý thử xem công lực của y, cái nâng ấy dùng tới năm thành công lực, nếu thấy y chống lại không được sẽ lập tức thu kình, quyết không đến nỗi hất y ngã ngửa, nếu y không động sẽ gia tăng kình lực, chỉ trong một cái đỡ là có thể biết được công phu của đối phương sâu nông thế nào, nào ngờ Quách tĩnh lại thuận thế đứng lên, tự nhiên nhi nhiên hóa giải mất luồng kình lực của mình, cái nâng ấy không động chạm gì được tới y khiến Nhất Đăng giật nảy mình, nghĩ thầm:
- Thất huynh thu được đồ đệ giỏi lắm, chẳng trách bọn đồ đệ của mình cam bái hạ phong.
Lúc ấy Quách Tĩnh nói một câu:
- Xin đại sư cứu mạng cho nàng!
Vừa dứt, đột nhiên chân đứng không vững, thân hình không tự chủ được chúi lên trước một bước, vội vận kình đứng lại, nhưng đã tâm phù khí đục, mặt mũi đỏ bừng, trong lòng cả kinh:
- Hậu kình của Nhất Đăng đại sư dài thật? Mình chỉ cho rằng đã hóa giải được, nào ngờ ông ta mượn lực đả lực, kình phát tới tuy đã bị hóa giải nhưng qua một lúc thì lực của mình chống lại lực đẩy tới lúc nãy, nếu thật sự động thủ thì mạng mình còn gì? Đông tà Tây độc, Nam đế Bắc cái quả thật danh bất hư truyền Lúc ấy khâm phục sát đất, trong lòng nghĩ thế nào trên mặt hiện ra thế ấy.
Nhất Đăng thấy trong ánh mắt y lộ ra vẻ vừa ngạc nhiên vừa khâm phục, bèn đưa tay khẽ vỗ vai y cười nói:
- Luyện được tới mức như ngươi cũng đã không dễ đâu.
Lúc ấy tay y nắm Hoàng Dung vẫn chưa buông ra, vừa quay đầu lại, vẻ tươi cười lập tức thu hết lại, hạ giọng nói:
- Hài tử, ngươi đừng sợ, cứ yên tâm đi.
Rồi đỡ nàng ngồi xuống tấm bồ đoàn. Hoàng Dung trước nay chưa từng được ai đối xử dịu dàng như thế, cha nàng tuy thương yêu con nhưng lời nói việc làm cổ quái, lúc bình thời ở chung với nhau vẫn coi nàng như một người bạn tốt ngang hàng, tình cha con vẫn giấu kín trong lòng, lúc ấy nghe mấy câu dịu dàng ấm áp của Nhất Đăng lại như chợt gặp được người mẹ mà nàng chưa từng thấy mặt, từ khi bị thương đến nay vẫn cắn răng nhịn đau, đến lúc ấy không kìm được nữa, òa một tiếng bật lên khóc lớn. Nhất Đăng đại sư dịu dàng an ủi:
- Hài tử ngoan, đừng khóc đừng khóc? Trên người ngươi đau, bá bá nhất định sẽ chữa lành cho mà.
Nào ngờ y càng thân tình Hoàng Dung càng thêm cảm động, càng khóc dữ hơn, sau cùng thì nức nở sụt sùi không sao nín được.
Quách Tĩnh nghe y ưng thuận chữa thương, trong lòng cả mừng, vừa quay đầu nhìn chợt thấy người thư sinh và người nông phu hai mắt lồi ra đầy vẻ tức giận đang trừng trừng nhìn mình, lập tức trong lòng cảm thấy xấu hổ:
- Bọn mình tới đây toàn nhờ Dung nhi dùng mưu kế, chẳng trách gì họ nổi giận. Chỉ là không biết vì sao Nhất Đăng đại sư từ hòa như thế, mà đệ tử của ông lại nhất định cản trở.
Chợt nghe Nhất Đăng đại sư nói:
- Hài tử, ngươi bị thương thế nào, tìm được tới đây thế nào, thong thả kể cho bá bá nghe.
Lúc ấy Hoàng Dung sụt sịt kể lại việc ngộ nhận Cừu Thiên Nhận là Cừu Thiên Trượng thế nào, bị y song chưởng đánh trúng thế nào. Nhất Đăng nghe nói tới tên Thiết chưởng Cừu Thiên Nhận hơi cau cau mày, nhưng lại lập tức ung dung nghe tiếp. Lúc Hoàng Dung trò chuyện vẫn lưu tâm xem xét thần sắc của Nhất Đăng đại sư, tuy y chỉ khẽ cau mày nhưng cũng không thoát được mắt nàng, tới đoạn gặp Anh Cô trong ao tối ở rừng sâu, bà ta chỉ điểm tới đây cầu kiến thế nào, thì vẻ mặt Nhất Đăng đại sư trong chớp mắt sa sầm, tựa hồ nhớ lại một chuyện đau lòng đã qua. Hoàng Dung lập tức im bặt, qua hồi lâu Nhất Đăng đại sư thở dài một tiếng, hỏi:
- Về sau thế nào?
Hoàng Dung tiếp tục kể chuyện Ngư Tiều Canh Độc làm khó thế nào, người tiều phu khinh dị cho họ qua thì đem sự thật khen ngợi y mấy câu, còn ba người kia thì thêm mắm dặm muối tố cáo một lượt, làm hai người thư sinh và nông phu càng đầy vẻ tức giận. Quách Tĩnh mấy lần chen vào:
- Dung nhi đừng nói quá, vị đại thúc này không có gì là hung dữ cả.
Nhưng nàng cứ nũng nịu với Nhất Đăng đại sư, phóng đại thêu dệt khiến hai người đệ tử đứng sau lưng Nhất Đăng nghe thấy mặt cứ lúc đỏ lúc xanh, nhưng vì trước mặt sư phụ nên không dám nói chen vào một câu.
Nhất Đăng đại sư liên tiếp gật đầu, nói:
- Hừ, đối đãi với khách từ xa tới mà lại thế à? Mấy đứa nhỏ này đối với bạn bè thật vô lễ quá, để ta bảo họ xin lỗi các ngươi mới được.
Hoàng Dung trợn mắt nhìn người thư sinh và người nông phu một cái, vô cùng đắc ý, miệng vẫn không ngừng, nói tới đoạn làm sao tiến vào cửa miếu “Về sau con đưa bức tranh này cho y xem, y bảo con vào họ mới không ngăn chặn chúng con nữa.
Nhất Đăng ngạc nhiên nói:
- Bức tranh nào?
Hoàng Dung nói:
- Chính là bức tranh con chim ưng, con bồ câu với hình người cắt thịt đấy.
Nhất Đăng nói:
- Ngươi đưa cho ai?
Hoàng Dung còn chưa trả lời, người thư sinh đã rút trong bọc ra, hai tay đưa lên, nói:
- Ở chỗ đệ tử. Mới rồi sư phụ nhập định chưa tỉnh nên vẫn chưa trình sư phụ xem qua.
Nhất Đăng đưa tay đón lấy, nhìn Hoàng Dung cười nói:
- Ngươi xem đấy, nếu ngươi không nói thì ta cũng chẳng được xem đâu.
Rồi từ từ mở bức tranh ra, vừa nhìn qua đã biết ý trong bức tranh, cười nói:
- Té ra người ta sợ ta không chịu cứu ngươi nên vẽ bức tranh này để khích, chẳng phải là coi thường lão hòa thượng sao?
Hoàng Dung quay qua nhìn, thấy vẻ mặt của người thư sinh và người nông phu có vẻ rất lo lắng, trong lòng vô cùng ngờ vực:
- Tại sao họ nghe sư phụ ưng thuận chữa thương cho mình lại như là muốn lấy mạng họ thế, chẳng lẽ thuốc chữa thương là linh đan chí bảo, không dứt tình được à?
Khi quay đầu lại thấy Nhất Đăng đang nhìn kỹ bức tranh, kế cầm ra dưới ánh nắng nhìn xuyên qua tờ giấy khẽ búng mấy cái, mặt đầy vẻ nghi ngờ, nói với Hoàng Dung:
- Đây là Anh Cô vẽ à?
Hoàng Dung nói:
- Phải đấy.
Nhất Đăng trầm ngâm hồi lâu lại hỏi:
- Ngươi chính mắt nhìn thấy bà ta vẽ à?
Hoàng Dung biết bên trong ắt có sự rắc rối, nhớ lại tình cảnh lúc bấy giờ, bèn nói:
- Lúc Anh Cô vẽ thì quay lưng lại chúng con, con chỉ thấy quản bút của bà ta di động chứ không thấy bà ta vẽ.
Nhất Đăng nói:
- Ngươi nói còn có hai cái túi vải thư thiếp trong túi đâu, lấy ra cho ta xem.
Quách Tĩnh lấy ra đưa lên, Nhất Đăng nhìn thấy thoáng biến sắc hạ giọng nói:
- Quả đúng như thế.
Y đưa ba trang thư thiếp cho Hoàng Dung, nói:
- Dược huynh là danh gia về thư họa, ngươi gia học uyên nguyên, nhất định biết rõ cách thưởng thức, vậy cứ xem ba trang thư thiếp này có gì khác nhau?
Hoàng Dung đón lấy nhìn qua một lượt, nói:
- Hai trang thư thiếp này chỉ là giấy Ngọc bản bình thường, nhưng tờ giấy vẽ bức tranh là giấy Cựu kiến, trước nay rất ít thấy.
Nhất Đăng đại sư gật đầu nói:
- Ờ, chuyện thư họa thì ta không biết, ngươi thấy công lực trên bức tranh thế nào?
Hoàng Dung nhìn kỹ mấy lượt, cười nói:
- Bá bá còn làm ra vẻ không biết nữa! Người đã sớm nhận ra bức tranh này không phải là Anh Cô vẽ rồi.
Nhất Đăng hơi biến sắc, nói:
- Có đúng là không phải bà ta vẽ không? Ta chỉ dựa vào sự lý mà suy đoán chứ không phải là nhìn được từ bức tranh.
Hoàng Dung kéo tay y nói:
- Bá bá người xem đây, nét chữ trên hai trang thư thiếp thì mềm mại tươi đẹp, còn bút pháp trên bức tranh thì vô cùng gầy guộc cứng cáp, ờ bức tranh này là đàn ông vẽ, đúng rồi, nhất định là thủ bút của đàn ông, người này hoàn toàn không có công phu học vấn gì về thư họa, tất cả những gì về mảng khối, xa gần đều không biết, nhưng bút lực mạnh mẽ có kình, xuyên cả ra sau tờ giấy.., màu mực này cũng đã rất cũ rồi, con thấy còn lớn tuổi hơn cả con kia.
Nhất Đăng đại sư thở dài một tiếng, chỉ một bộ kinh trên bàn ra hiệu cho người thư sinh cầm lại. Người thư sinh cầm lấy bước qua đưa cho sư phụ. Hoàng Dung thấy trên mảnh giấy vàng dán ở bìa sách có hai hàng chữ “Đại trang nghiêm luận kinh. Mã Minh Bồ tát viết. Tây Vực Quy Tư Tam tạng Cưu Ma La Thập dịch.
Nghĩ thầm:
- Ông ta mà giảng kinh thì một câu mình cũng không hiểu.
Nhất Đăng giở kinh ra, đặt bức tranh vào giữa, nói:
- Ngươi xem đi.
Hoàng Dung khẽ a một tiếng, nói:
- Chất giấy như nhau.
Nhất Đăng gật gật đầu. Quách Tĩnh không hiểu, hạ giọng hỏi:
- Thế nào là chất giấy như nhau?
Hoàng Dung nói:
- Ngươi so sánh cho kỹ loại giấy trên quyển kinh này chẳng phải là hoàn toàn giống như loại giấy vẽ bức tranh sao?
Quách Tĩnh nhìn kỹ quả thấy giấy trong kinh văn dày chắc, có một sợi chỉ vàng bên trong, không khác gì tờ giấy vẽ bức tranh, bèn hỏi:
- Đúng là một loại rồi, nhưng là thế nào?
Hoàng Dung không đáp, đưa mắt nhìn Nhất Đăng đại sư, chờ y giải thích.
Nhất Đăng đại sư nói:
- Bộ kinh thư này là sư đệ ta đem từ Tây Vực qua tặng ta.
Quách Hoàng hai người sau khi trò chuyện với Nhất Đăng đại sư chưa từng để ý tới nhà sư Thiên Trúc, lúc ấy cùng quay nhìn y một cái, chỉ thấy y ngồi xếp bằng trên tấm bồ đoàn, đối với lời trò chuyện của khách như không nghe thấy gì. Nhất Đăng lại nói:
- Bộ kinh này là viết trên giấy Tây Vực, bức tranh này cũng là giấy Tây Vực. Ngươi đã nghe qua núi Bạch Đà ở Tây Vực chưa?
Hoàng Dung hoảng sợ nói:
- Tây độc Âu Dương Phong à?
Nhất Đăng thong thả gật đầu, nói:
- Không sai, bức họa này chính là Âu Dương Phong vẽ.
Vừa nghe câu ấy, Quách Tĩnh, Hoàng Dung đều giật nảy mình, nhất thời không nói ra lời.
Nhất Đăng mỉm cười nói:
- Vị Âu Dương cư sĩ này suy nghĩ sâu sắc, quả thật rất lo xa.
Hoàng Dung nói:
- Bá bá, con không biết bức tranh này là Lão Độc vật vẽ nhưng nhất định y không có ý tốt.
Nhất Đăng cười khẽ nói:
- Một bộ cửu âm chân kinh cũng cho là lớn.
Hoàng Dung nói:
- Bức họa này có liên quan với Cửu âm chân kinh à?
Nhất Đăng thấy sau khi nàng kinh ngạc phấn hứng, trên trán hiện màu hồng, quả thật đã cố gắng vô cùng, chỉ là gắng gượng vận nội công chi trì, lúc ấy đưa tay đỡ vai phải nàng, nói:
- Chuyện đó sau này sẽ nói, trước hết chữa thương cho ngươi là chuyện quan trọng nhất. Lúc ấy bèn dìu nàng thong thả bước qua sương phòng bên cạnh, vừa vào tới cửa, người thư sinh và người nông phu đột nhiên đưa mắt nhìn nhau sấn tới trước cửa, cùng quỳ xuống nói:
- Sư phụ, để đệ tử chữa thương cho vị cô nương này.
Nhất Đăng lắc đầu nói:
- Các ngươi đủ công lực không? Có thể chữa khỏi không?
Người thư sinh và người nông phu nói:
- Đệ tử cố gắng thử xem.
Nhất Đăng đại sư thoáng sầm mặt, nói:
- Mạng người là việc lớn, há có thể dễ dàng đem thử à?
Người thư sinh nói:
- Hai người này được kẻ gian chỉ dẫn tới đây, quyết không có ý tốt. Sư phụ tuy ôm lòng từ bi, nhưng không thể để trúng kế kẻ gian.
Nhất Đăng đại sư thở dài một tiếng nói:
- Ta hàng ngày vẫn dạy dỗ các ngươi những gì? Ngươi đem bức tranh này mà ngắm cho kỹ đi.
Nói xong đưa bức tranh cho y.
Người nông phu dập đầu nói:
- Bức tranh này do Tây độc vẽ, sư phụ, là độc kế của Âu Dương Phong đấy, nói tới đoạn cuối, dáng vẻ hoảng sợ, nước mắt đầy mặt.
Quách Hoàng hai ngươi vô cùng khó hiểu:
- Chữa thương trị bệnh thì có quan hệ gì lớn đến thế?
Nhất Đăng đại sư hạ giọng nói:
- Đứng lên đi, đứng lên đi, đừng để khách không yên lòng. Ngữ điệu của y tuy bình hòa, nhưng ngữ khí thì rất kiên quyết.
Hai người đệ tử biết không sao khuyên được, đành cúi đầu đứng yên. Nhất Đăng đại sư đỡ Hoàng Dung vào phòng, vẫy tay gọi Quách Tĩnh:
- Ngươi lại đây.
Quách Tĩnh bước vào phòng. Nhất Đăng buông tấm rèm trúc che cửa xuống, đốt một vòng hướng, cắm vào chiếc lò trên bàn.
Trong phòng bốn vách quang quẽ, ngoài một chiếc ghế trúc chỉ có ba tấm bồ đoàn dưới đất. Nhất Đăng bảo Hoàng Dung ngồi lên tấm bồ đoàn ở giữa rồi ngồi xuống tấm bồ đoàn bên cạnh, nhìn ra ngoài rèm một cái nói với Quách Tĩnh:
- Ngươi canh chừng ngoài cửa, đừng cho ai bước vào, cho dù là đệ tử của ta cũng không cho vào Quách Tĩnh vâng dạ. Nhất Đăng mắt đang nhắm đột nhiên mở ra nói:
- Nếu họ muốn xông bừa vào ngươi cứ tùy tiện động võ. Đây là chuyện quan hệ tới tính mạng của sư muội ngươi, phải cẩn thận đấy, phải cẩn thận đấy.
Quách Tĩnh nói:
- Dạ!
Trong lòng càng không hiểu được “Đệ tử của ông ta rất kính sợ ông ta, sao lại dám chống lời thầy xông bừa vào đây?”
Nhất Đăng nhìn qua Hoàng Dung nói:
- Ngươi buông lỏng toàn thân, bất kể là đau đớn khó chịu thế nào, ngàn vạn lần cũng không được vận khí chống cự.
Hoàng Dung cười nói:
- Con đã tính là mình chết rồi.
Nhất Đăng cười một, tiếng, nói:
- Con nhóc này thông minh lắm.
Rồi lập tức nhắm mắt nhập định vận công, khi vòng hương cháy được một tấc đột nhiên nhảy vọt lên, chưởng trái đập vào bụng, ngón trỏ tay phải vung ra từ từ điểm tới huyệt Bách hội trên đỉnh đầu nàng. Hoàng Dung thân hình không tự chủ được hơi giật lên một cái, chỉ cảm thấy một luồng nhiệt khí từ đỉnh đầu xông thẳng xuống.
Nhất Đăng đại sư một chỉ vừa điểm ra xong lập tức rút lại, chỉ thấy thân hình y chưa động, chỉ thứ hai lại điểm vào huyệt Hậu đỉnh cách huyệt Bách hội một tấc rưỡi, kế đó lần lượt điểm vào một dãy huyệt Cường gian, Não hộ, Phong phủ, Đại chuỳ, Đào đạo, Thần trụ, Thần đạo, Linh đài, vòng hương cháy hết một nửa thì đã điểm hết ba mươi sáu đại huyệt trên Đốc mạch của nàng.
Quách Tĩnh lúc ấy võ công cùng kiến thức đều đã khác hẳn ngày trước, đứng bên cạnh thấy y ngón tay co duỗi như ý, cánh tay thu về tiêu sái phóng dật, điểm ba mươi sáu đại huyệt lại dùng ba mươi sáu thủ pháp khác nhau, chiêu nào cũng có lề lối trong ngoài, đều có khí độ, Giang Nam lục quái cố nhiên chưa từng dạy qua, mà Điểm huyệt thiên trong Cửu âm chân kinh cũng không có chép, đúng là thấy điều chưa từng thấy, nghe việc chưa từng nghe, chỉ thấy hoa cả mắt, há miệng líu lưỡi cho rằng Nhất Đăng đang phô trương võ công thượng thặng, nào ngờ y đang đem công lực một đời đả thông kỳ kinh bát mạch trên toàn thân Hoàng Dung.
Điểm xong Đốc mạch, Nhất Đăng ngồi xuống nghỉ ngơi, đợi Quách Tĩnh đổi vòng hương khác, lại nhảy lên điểm vào hai mươi lăm đại huyệt trong Nhâm mạch của Hoàng Dung, lần này toàn dùng thủ pháp mau lẹ, chỉ thấy cánh tay y rung lên như chuồn chuồn điểm nước, chưa xong một hơi thở đã điểm xong các huyệt trên Nhâm mạch, hai mươi lăm chiêu này tuy mau như điện, nhưng chỗ điểm tới thì không hề sai chạy. Quách Tĩnh vô cùng kinh ngạc khâm phục, tự nhủ:
- A, trên đời còn có loại công phu này!
Đến khi điểm mười bốn huyệt thuộc mạch âm duy thủ pháp lại khác hẳn, chỉ thấy y đi như rồng bước như cọp, thần oai lẫm liệt, tuy mặc áo cà sa nhưng trong con mắt Quách Tĩnh thì đây đâu phải là một nhà sư quy y Tam bảo mà chính là một vị hoàng đế cai trị muôn dân. Điểm xong mạch âm duy, Nhất Đăng đại sư không nghỉ ngơi, điểm luôn ba mươi hai huyệt trên mạch Dương duy, lần này thì đứng từ xa điểm tới, thân hình y đứng cách Hoàng Dung ngoài một trượng, trong chớp mắt sấn vào điểm vào huyệt Phong trì trên cổ nàng, vừa điểm trúng thân hình đã lùi ra, mau lẹ khôn tả.
Quách Tĩnh nghĩ thầm:
- Lúc giao đấu với bậc cao thủ, vào gần rất nguy hiểm, nếu dùng thủ pháp này thì có thể vừa khắc địch vừa giữ thân, quả thật là chiêu thuật kỳ diệu vô thường. Ngưng thần nhìn Nhất Đăng lui tới xoay chuyển, sấn vào điểm huyệt cố nhiên là thần diệu nhưng khó nhất chính là chỗ vừa ra đòn đã lùi ngay, như cá nhảy thỏ chạy, vô cùng linh động, chợt nghĩ lúc Anh Cô chiết chiêu với mình thân pháp vô cùng mau lẹ, so với lối điểm huyệt ba mươi sáu phép này của đại sư thì tựa hồ theo học với đại sư, nhưng cao thấp thì chênh lệch nhau quá nhiều.
Lại thay hai vòng hương nữa, Nhất Đăng đại sư đã điểm xong hai mạch âm kiều, Dương kiều cho Hoàng Dung, lúc điểm tới huyệt Cự cốt trên đầu vai, Quách Tĩnh đột nhiên trong lòng rúng động:
- A, Cửu âm chân kinh há chẳng có sao? Chỉ có thằng ngốc như mình nảy giờ mới không nghĩ ra.
Bèn thầm đọc lại kinh văn, chỉ thấy Nhất Đăng đại sư ra chiêu thu thế rõ ràng rất phù hợp với kinh văn, nhưng kinh văn chỉ nói tới yếu chỉ mà phép điểm huyệt của Nhất Đăng đại sư lại biến hóa vô cùng. Nhất Đăng đại sư lúc ấy như hiện thân thuyết pháp, dùng võ thuật thần diệu giảng giải rất nhiều điều bí áo trong Cửu âm chân kinh. Quách Tĩnh còn chưa được ưng thuận nên không dám học chỉ pháp Nhất dương chỉ của y, nhưng về diệu chỉ trong chân kinh thì ngộ ra được rất nhiều điều.
Sau cùng điểm xong Đới mạch, lập tức đại công cáo thành, bảy mạch trong kỳ kinh đều đã trên dưới thông suốt, Đới mạch lại chạy vòng khắp người, xuyên qua tất cả như đai lưng, nên gọi là Đới mạch. Lần này Nhất Đăng đại sư quay lưng về phía Hoàng Dung, đi giật lùi lại, lật tay phóng chỉ, thong thả điểm vào huyệt Chương môn của nàng. Đới mạch tổng cộng có tám huyệt, Nhất Đăng ra tay rất chậm, tựa hồ điểm rất khó khăn, miệng thở hổn hển, thân hình lắc lư lảo đảo có vẻ như không chi trì nổi. Quách Tĩnh giật nảy mình, thấy trên trán Nhất Đăng mồ hôi ròng ròng, trên hàng mi dài mồ hôi đọng lại rơi xuống như mưa, muốn bước tới đỡ nhưng lại sợ hỏng việc, nhìn tới Hoàng Dung thì thấy nàng y phục toàn thân cũng ướt đẫm mồ hôi, nhường mày cắn môi chắc đã hết sức nhịn đau.
Chợt nghe soạt một tiếng, tấm rèm trúc sau lưng cuốn lên, một người gọi lớn:
- Sư phụ?
Sấn thẳng vào trong. Quách Tĩnh trong lòng còn chưa kịp suy nghĩ đã ra một chiêu Thần long bãi vĩ, chưởng phải vung ra phía sau, chát một tiếng đánh trúng đầu vai người kia, kế đó quay lại chỉ thấy một người lão đảo loạng choạng lùi lại hai bước, chính là người câu cá. Y bị cướp mất thuyền sắt, mái chèo sắt, không sao ngược dòng suối lên núi, chỉ đành đi vòng từ dưới lên, hơn hai mươi dặm từ lưng núi vòng lên trên. Đến lúc tới nơi nghe sư phụ đã chữa thương cho vị cô nương kia lập tức xông vào đánh liều mạng cản trở, không ngờ bị Quách Tĩnh một chiêu đẩy lùi, đang muốn sấn tới, người tiều phu, ngươi nông phu, người thư sinh đều đã tới ngoài cửa.
Người thư sinh tức giận nói:
- Xong rồi, còn cản trở gì nữa .
Quách Tĩnh quay lại chỉ thấy Nhất Đăng đại sư đã ngồi xếp bằng trên tấm bồ đoàn, sắc mặt trắng bệch, tăng bào ướt đẫm, Hoàng Dung thì đã ngã lăn ra không hề động đậy, Quách Tĩnh cả kinh vội bước qua đỡ lên, đầu tiên ngửi thấy mùi máu tanh, lúc nhìn tới mặt nàng thì trong màu trắng có nét xanh, không có chút huyết sắc nào, nhưng làn hắc khí thấp thoáng trước nay đã hoàn toàn tan biến, đưa tay sờ lên mũi nàng thấy hơi thở trầm ổn, lúc ấy đã yên tâm được quá nửa.