Tăng tốc cùng Ninja và những người bạn để tận hưởng niềm vui chiến thắng
Truyện Kiếm Hiệp
Anh Hùng Xạ Điêu
Hồi 31(a) : Khăn gấm uyên ương
Nhất Đăng đại sư hạ giọng thở dài nói:
- Mối họa thật sự là ở ngay ta. Ta là vua nước Đại Lý nhỏ, tuy không như thiên tử Trung Hoa trong hậu cung có ba ngàn người, nhưng số hậu phi cung tần cũng rất đông, ờ, đúng là làm ra tội nghiệt. Nhớ lại ta trước nay hiếu võ, ít gần đàn bà, ngay cả hoàng hậu cũng mấy ngày khó gặp mặt một lần thì các quý phi cung tần khác làm sao còn có ngày được gần gũi?
Nói tới đó nhìn qua bốn người đệ tử nói:
- Lý do bên trong của chuyện này các ngươi vốn cũng không rõ, hôm nay cũng tiện dịp nói cho các ngươi biết luôn.
Hoàng Dung nghĩ thầm:
- Quả thật là họ không biết, rốt lại cũng không phải là lừa mình.
Chợt nghe Nhất Đăng nói:
- Đám phi tần thấy ta hàng ngày luyện công tập võ, có người thấy thích, lằng nhằng theo xin học, ta cũng tùy tiện chỉ điểm một hai người cho họ luyện tập để khỏe mạnh sống lâu. Trong đó có một quý phi họ Lưu, thiên tư đặc biệt dĩnh ngộ, cứ dạy qua là biết, chỉ tới là hiểu, mà nàng lại còn trẻ tuổi, suốt ngày chăm chỉ khổ luyện, võ công tiến bộ rất mau. Cũng là vừa khéo có việc, hôm ấy nàng luyện võ trong vườn lại bị Chu Bá Thông Chu sư huynh nhìn thấy, vị Chu sư huynh này là người hiếu võ bậc nhất, trời sinh tính nết lại ngây thơ, không biết đề phòng chuyện nam nữ, thấy Lưu quý phi luyện võ có vẻ giỏi giang, lập tức bước tới quá chiêu với nàng. Chu sư huynh được sư ca của y là Vương chân nhân đích thân truyền thụ, Lưu quý phi làm sao là đối thủ của y... .
Hoàng Dung hạ giọng nói:
- Ái chà, y xuất thủ không biết nặng nhẹ, nhất định là đánh Lưu quý phi bị thương rồi phải không?
Nhất Đăng đại sư nói:
- Người thì không bị thương, mà là trong vài chiêu y đã dùng phép điểm huyệt điểm trúng Lưu quý phi kế hỏi nàng có phục không. Lưu quý phi tự nhiên rất khâm phục Chu sư huynh giải khai huyệt đạo cho nàng vô cùng đắcý, kế đó cao đàm khoát luận, nói tới những điều bí yếu của công phu điểm huyệt. Lưu quý phi vốn đã xin tạ dạy cho nàng công phu điểm huyệt, nhưng các ngươi nghĩ xem, môn võ công cao thâm ấy thì ta làm sao dạy được cho đám phi tần trong hậu cung? Nàng nghe Chu sư huynh nói thế đúng là chuyện mình ưa thích, lập tức cung cung kính kính thỉnh giáo y.
Hoàng Dung nói:
- A, vậy thì Lão Ngoan đồng đắc ý lắm.
Nhất Đăng nói:
- Ngươi biết Chu sư huynh à?
Hoàng Dung cười nói:
- Bọn con là bạn thân của nhau, y ở trên đảo Đào Hoa mười mấy năm không rời một bước.
Nhất Đăng nói:
- Tính y như thế sao lại chịu lần khân ở đó?
Hoang Dung cười nói:
- Là bị cha con giam lại, gần đây mới thả y ra.
Nhất Đăng gật đầu nói:
- Thế thì phải rồi, Chu sư huynh khoẻ không?
Hoành dung nói:
- Khoẻ lắm, có điều càng già càng gàn bướng, không ra con người.
Rồi chỉ vào Quách Tĩnh, bĩu môi cười nói:
- Lão Ngoan đồng kết bái với y, họ là nghĩa huynh nghĩa đệ với nhau đấy.
Nhất Đăng đại sư nhịn không được cười khẽ một tiếng, kế nói:
- Môn công phu này ngoài cha và con gái, vợ chồng thì trước nay sư phụ đàn ông không truyền cho nữ đồ đệ, sư phụ đàn bà không truyền cho nam đồ đệ... .
Hoàng Dung nói:
- Tại sao thế?
Nhất Đăng nói:
- Nam nữ thụ thụ bất thân mà, ngươi nghĩ xem nếu không sờ tới, điểm tới huyệt đạo trên toàn thân, thì môn công phu này làm sao truyền được?
Hoàng Dung nói:
- Vậy không phải người điểm huyệt đạo toàn thân của con sao?
Người đánh cá và người nông phu còn lấy làm lạ là nàng khéo giả vờ, nói toàn những chuyện không quan trọng, cùng đưa mắt liếc nàng một cái. Hoàng Dung cũng trừng mắt nhìn hai người, nói:
- Cái gì? Ta hỏi không được à?
Nhất Đăng cười khẽ nói:
- Hỏi thì hỏi được thôi, ngươi là con gái nhỏ, lại cần cứu mạng gấp, chuyện đó không cần nói nữa.
Hoàng Dung nói:
- Được thôi, cứ kể là thế đi về sau thế nào?
Nhất Đăng nói:
- Về sau một người dạy một người học, Chu sư huynh huyết khí phương cương, Lưu quý phi cũng đang trẻ tuổi, hai người da thịt đụng chạm nhau, lâu ngày sinh tình, rốt lại gây ra một trận ầm ĩ không sao thu xếp được...
Hoàng Dung đang muốn hỏi nhưng vừa máy môi lại nhịn, chỉ nghe Nhất Đăng nói tiếp:
- Có người bẩm báo với ta, ta tuy tức giận nhưng ngại mặt Vương chân nhân, chỉ làm ra vẻ không biết, nào ngờ về sau Vương chân nhân lại biết, chắc vì Chu sư huynh tính nết hào sảng ngay thẳng, không biết giấu diếm... .
Hoàng Dung nhịn không được nữa, hỏi:
- Mà chuyện gì thế, tại sao lại ầm ĩ không thu xếp được?
Nhất Đăng nhất thời không biết làm sao đưa đẩy ngần ngừ một lúc mới nói:
- Họ không phải là vợ chồng, mà lại làm việc vợ chồng với nhau.
Hoàng Dung nói:
- A, con biết rồi, Lão Ngoan đồng và Lưu quý phi sinh con.
Nhất Đăng nói:
- Ờ, cũng không phải thế. Họ quen nhau mới hơn mười ngày, làm sao sinh được con? Vương chân nhân phát giác ra rồi, trói Chu sư huynh lại đem tới cho ta xử trí. Bọn người học võ như chúng ta lấy nghĩa khí làm trọng, nữ sắc là chuyện nhẹ, há lại vì một người đàn bà mà làm tổn thương giao tình bạn bè? Ta lập tức cởi trói cho y, lại gọi Lưu quý phi lên, bảo họ kết làm vợ chồng. Nào ngờ Chu sư huynh kêu la thảm thiết, nói vốn không biết đó là chuyện sai quấy, đã không phải là chuyện hay thì có chặt đầu y cũng quyết không làm, bất kể thế nào cũng không cưới Lưu quý phi làm vợ. Lúc ấy Vương chân nhân than: Nếu không biết y vốn ngu ngốc không biết hay dở, thì y làm chuyện xấu xa làm nhục sư môn thế này đã một kiếm chém chết y rồi.
Hoàng Dung thè rưỡi cười nói:
- Lão Ngoan đồng suýt chết?
Nhất Đăng nói tiếp:
- Lần ấy ta tức giận quá, nói Chu sư huynh, ta quả thật cam tâm dứt tình tặng cho ngươi chứ há có ý gì khác? Từ xưa có câu “Anh em như chân tay, vợ chồng như quần áo”. Một người đàn bà nhỏ mọn có gì lớn đâu.
Hoàng Dung vội nói:
- Phì, phì, bá bá, người xem thường phụ nữ, mấy câu ấy thật bậy bạ quá?
Người nông phu nhịn không được nữa, lớn tiếng nói:
- Ngươi đừng giả vờ nữa có được không?
Hoàng Dung nói:
- Ông ta nói không đúng thì nhất định ta phải phản bác.
Đối với bốn người Ngư Tiều Canh Độc, Nhất Đăng đại sư vừa là vua vừa là thầy, trò chuyện với y thì đừng nói là không được cãi lại nửa câu, mà trong lòng cũng phải coi như thần thánh, lúc ấy nghe Hoàng Dung buột miệng phóng túng, đều không khỏi vừa giận vừa sợ.
Nhất Đăng đại sư không hề để ý, tiếp tục nói:
- Chu sư huynh nghe câu ấy lại cứ lắc đầu. Ta càng tức giận, nói: Nếu ngươi yêu thương cô ta thì tại sao cứ nhất định không chịu? Nếu ngươi hoàn toàn không yêu thương cô ta thì tại sao lại gây ra chuyện này? Đại Lý ta tuy là nước nhỏ nhưng chẳng lẽ lại để ngươi tới cửa làm nhục như thế à? Chu sư huynh ngẩn người ra hồi lâu, đột nhiên quỳ hai gối xuống dập đầu bình bình mấy cái với ta, nói:
- Đoàn hoàng gia, là ta không phải, ngươi muốn giết ta cũng được, ta không dám chống cự. Ta không ngờ y lại như thế, nhất thời không biết nói sao, chỉ nói:
- Tại sao ta lại giết ngươi?
Y nói:
- Vậy thì ta đi đây?
Rồi rút trong bọc ra một chiếc khăn gấm đưa cho Lưu quý phi nói:
- Trả lại cho cô đây
Lưu quý phi cười thảm một tiếng, cũng không nhận lấy. Chu sư huynh buông tay, chiếc khăn ấy rơi xuống cạnh chân ta. Chu sư huynh cũng không nói gì, nghênh ngang ra khỏi cung, một lần chia tay hơn mười năm, sau đó không nghe tin tức gì của y nữa. Vương chân nhân xin lỗi ta mấy lần rồi cũng ra đi, nghe nói mùa thu năm ấy thì y buông tay du ngoạn cõi tiên. Vương chân nhân anh phong nhân hiệp, trên đời không ai hơn được, ờ... .
Hoàng Dung nói:
- Võ công của Vương chân nhân có thể cao hơn người, nhưng nói tới anh phong nhân hiệp thì con thấy chưa chắc đã hơn được bá bá. Bảy người đệ tử mà y thu nhận được cũng đều tầm thường chẳng có gì lạ, rất là kém cỏi. Thế cái khăn gấm ấy về sau thế nào?
Bốn người đệ tử trong lòng đều ngạc nhiên là cô gái nhỏ này lại lưu tâm về những chuyện nhỏ như khăn tay y phục, lại nghe sư phụ nói:
- Ta thấy Lưu quý phi bàng hoàng ngơ ngẩn lại càng tức giận, nhặt chiếc khăn lên, chỉ thấy trên khăn thêu một bức tranh uyên ương giỡn nước, ờ, đó chính là vật Lưu quý phi tặng y để tỏ tình. Ta cười nhạt một tiếng, lại nhìn thấy cạnh đôi uyên ương có thêu một bài từ... .
Hoàng Dung phát hoảng vội hỏi:
- Có phải là bài Bốn khung may, Uyên ương liền cánh muốn cùng bay không?
Người nông phu cao giọng quát:
- Ngay bọn ta cũng không biết, làm sao ngươi biết được? Cứ làm ra vẻ ngây ngô ăn nói bậy bạ!
Nào ngờ Nhất Đăng đại sư thở dài nói:
- Đúng thế, đúng là bài từ ấy, ngươi cũng biết sao?
Câu ấy vừa nói ra, bốn đại đệ từ nhìn nhau hoảng sợ.
Quách Tĩnh nhảy phắt dậy, kêu lên:
- Ta nhớ ra rồi, hôm ấy trên đảo Đào Hoa Chu sư ca bị rắn độc cắn, thần trí hôn mê, miệng cứ đọc bài từ ấy. Đúng, đúng là... Bốn khung may, Uyên ương liền cánh lại có Thương tóc trắng gì gì đó, cứ đọc đi đọc lại mấy câu ấy Dung nhi, cái gì nữa? Ta nhớ không được.
Hoàng Dung hạ giọng đọc:
- Bốn khung may, Uyên ương dệt cánh muốn cùng bay. Đáng thương tóc trắng xua già tới. Sóng xuân cỏ biếc, Phòng sâu sáng rét, áo đỏ tắm cùng ai.
Quách Tĩnh vỗ đùi một cái, nói:
- Không sai chút nào. Chu đại ca từng nói không thể gặp con gái đẹp, gặp là có tội với bạn bè, làm sư ca tức giận, lại nói quyết không thể để cô ta mò trên huyệt đạo của y, nếu không sẽ bị trúng độc. Dung nhi, y còn khuyên ta là đừng tốt với cô.
Hoàng Dung chì chiết:
- Phì, Lão Ngoan đồng, lần sau mà gặp y để xem ta có cắt tai y không!
Ðột nhiên cười sặc sụa nói:
- Hôm ở phủ Lâm An, ta thuận miệng đùa nói y không cưới được vợ. Lão Ngoan đồng đột nhiên nổi nóng suốt nửa ngày, bồi hồi vì chuyện ấy.
Quách Tĩnh nói:
- Ta nghe Anh Cô đọc bài từ ấy, cảm thấy như đã nghe qua, nhưng thủy chung không nhớ ra. Ờ, Dung nhi, sao Anh Cô cũng biết bài từ ấy?
Hoàng Dung thở dài:
- Ờ, Anh Cô chính là Lưu quý phi ấy.
Trong bốn đại đệ tử chỉ có người thư sinh là đoán được năm sáu phần, ba người còn lại đều vô cùng ngạc nhiên, nhất tề nhìn qua sư phụ.
Nhất Đăng hạ giọng nói:
- Cô nương thông minh lanh lợi, quả không thẹn là con gái Dược huynh. Tiểu danh của Lưu quý phi có chữ Anh. Hôm ấy ta ném chiếc khăn tay lại cho nàng, sau đó không triệu kiến nữa. Ta uất ức không vui, việc nước cũng không xử lý, cả ngày chỉ luyện võ để giải sầu... .
Hoàng Dung nói chen vào:
- Bá bá, trong lòng người rất yêu bà ta mà, người có biết không. Nếu không yêu thì không buồn bã lâu như thế?
Bốn đại đệ tử giận nàng ăn nói bừa bãi, đồng thanh quát lớn:
- Cô nương!
Hoàng Dung nói:
- Cái gì? Ta nói sai à? Bá bá, người bảo con nói sai à?
Nhất Đăng buồn bã nói:
- Sau đó hơn nửa năm ta không triệu kiến Lưu quý phi, nhưng trong giấc mơ cũng thường gặp nàng. Có một hôm ta nằm mơ lại nhịn không được, quyết ý tìm tới thăm hỏi. Ta cũng không để bọn cung nhân thái giám thông báo, rón rén tới chỗ phòng nàng, định xem nàng đang làm gì. Mới tới chỗ phòng ở của nàng, thì nghe bên trong vang ra một tràng tiếng kêu khóc. Ờ, ngoài phòng sương dày gió lạnh, ta ngẩn người ra đứng suốt nửa đêm, đến rạng sáng mới trở về, sau đó mắc bệnh nặng.
Hoàng Dung nghĩ thầm:
- Y là bậc hoàng đế chí tôn, đêm hôm khuya khoắt lại lén lút trong cung để dò xét phi tần của mình, quả là chuyện rất lạ.
Bốn đệ tử lại nhớ lần ấy sư phụ mắc bệnh không những rất nguy hiểm mà lại còn kéo dài, với võ công của y thì phong sương không thể xâm nhập, cho dù có bệnh cũng không đến nỗi lâu ngày không khỏi, lúc ấy mới biết năm xưa vì y tức giận đau xót mới không dùng nội công chống bệnh tật.
Hoàng Dung lại hỏi:
- Lưu quý phi sinh con cho người chẳng cũng hay sao? Sao bá bá người lại không vui chứ?
Nhất Đăng nói:
- Con nhỏ ngốc, đứa nhỏ ấy là con Chu sư huynh.
Hoàng Dung nói:
- Chu sư huynh đã đi rồi, chẳng lẽ lại còn lén lút gặp gỡ bà ta?
Nhất Đăng nói:
- Không phải thế. Ngươi chẳng nghe câu “Mang thai chín tháng mười ngày à?”
Hoàng Dung sực hiểu ra, nói:
- A, con hiểu rồi. Đứa nhỏ ấy nhất định rất giống Lão Ngoan đồng, hai tai vểnh ra, sống mũi cao, nếu không thì làm sao người biết không phải con người?
Nhất Đăng đại sư nói:
- Chuyện đó đâu cần phải thấy mới biết? Trong bấy nhiêu ngày ta không hề gần gũi với Lưu quý phi, đứa nhỏ tự nhiên không phải là con ta.
Hoàng Dung như hiểu mà không hiểu, chỉ biết hỏi nữa thì có chuyện không hay, nên không nói tới nữa.
Chỉ nghe Nhất Đăng nói:
- Ta bị bệnh lần ấy hơn nửa năm, sau khi thuyên giảm, cố gắng quên đi, cũng không nghĩ tới chuyện ấy nữa. Qua hơn hai năm có một đêm ta đang ngồi trong phòng ngủ, chợt rèm cửa vén lên, Lưu quý phi xông vào.
Bọn thái giám và hai tên thị vệ ngoài cửa xông vào cản trở nhưng không được đều bị nàng vung chưởng đánh tung ra. Ta ngẩng đầu nhìn, chỉ thấy nàng bế một đứa nhỏ, vẻ mặt vô cùng hoảng hốt, quỳ xuống đất buông tiếng khóc lớn, cứ dập đầu kêu: Xin hoàng thượng ra ơn, đại từ đại bi tha cho đứa nhỏ này! Ta đứng dậy nhìn, chỉ thấy đứa nhỏ đấy mặt mày đỏ bừng thở dốc, bèn bế lên nhìn kỹ thì nó bị đánh gãy năm rẽ xương sườn. Lưu quý phi khóc nói:
- Hoàng gia, tiện thiếp tội đáng muôn chết, nhưng xin hoàng gia tha mạng cho đứa nhỏ này.
Ta nghe nàng nói là lùng như thế, bèn hỏi:
- Đứa nhỏ này bị gì?
Nàng chỉ dập đầu kêu xin.
Ta hỏi:
- Ai đánh nó bị thương?
Lưu quý phi không đáp, chỉ khóc nói:
- Xin hoàng gia ra ơn tha cho nó.
Ta ngẫm nghĩ không hiểu đầu đuôi. Nàng lại nói:
- Hoàng gia ban ơn cho thiếp chết, thiếp quyết không có nửa câu oán trách, nhưng đứa nhỏ này, đứa nhỏ này...
Ta nói:
- Ai lại bắt ngươi phải chết, rốt lại đứa nhỏ này tại sao bị thương?
Lưu quý phi ngẩng đầu lên, run giọng nói:
- Chẳng lẽ không phải hoàng gia sai thị vệ tới đả thương đứa nhỏ này sao?
Ta biết bên trong có chuyện rắc rối vội hỏi:
- Là thị vệ đả thương nó à? Đứa nô tài nào dám to gan như thế?
Lưu quý phi kêu lên:
- A, không phải là thánh chỉ của hoàng gia thì đứa nhỏ này có thể được cứu rồi.
Nói xong câu ấy thì ngất đi, ngã lăn ra đất.
Ta đỡ nàng lên, đặt lên giường, bế đứa nhỏ đặt bên cạnh nàng. Qua một lúc nàng mới tỉnh dậy, nắm tay ta khóc lóc. Nguyên là nàng ru đứa nhỏ ngủ, ngoài cửa sổ đột nhiên có một ngự tiền thị vệ bịt mặt nhảy vào giằng đứa nhỏ ra, đánh vào lưng nàng một chưởng. Lưu quý phi vội bước lên cản trở, gã thị vệ ấy xô nàng ra, lại đập vào bụng đứa nhỏ một chưởng, lúc ấy mới hô hô cười rộ, vọt ra cửa sổ đi mất. Người thị vệ ấy võ công rất cao cường, nàng lại cho rằng là do ta phái tới giết con nàng, lúc ấy không dám đuổi theo, bèn xông vào chỗ ta ở cầu xin.
Ta càng nghe càng ngạc nhiên, tra xét kỹ thương thế của đứa nhỏ, lại không nhìn ra là bị công phu gì đả thương, chỉ là kinh mạch đều bị chấn động đứt hết, gã thích khách này quả thật không phải tầm thường. Nhưng rõ ràng y vẫn còn thủ hạ lưu tình, đứa nhỏ yếu đuối như thế rõ ràng bị hai chường mà vẫn còn thở. Lúc ấy ta lập tức tới phòng ở của nàng xem xét thì trên mái ngói và bệ cửa sổ quả nhiên còn để lại dấu chân rất mờ. Ta nói với Lưu quý phi: Bản lĩnh của gã thích khách này rất cao cường, nhất là khinh công càng không phải tầm thường. Trong nước Đại Lý ngoài ta ra thì không có người thứ hai có công phu như thế. Lưu quý phi đột nhiên hoảng sợ kêu lên: Chẳng lẽ là y? Tại sao y lại muốn giết con mình? Nàng nói câu ấy ra, vẻ mặt lập tức trở thành thê thảm.
Hoàng Dung cũng hạ giọng kêu khẽ một tiếng, nói:
- Chẳng lẽ Lão Ngoan đồng lại làm việc xấu xa như thế sao?
Nhất Đăng nói:
- Lúc ấy ta cũng cho rằng nhất định là Chu sư huynh. Ngoài y ra trong các cao thủ trên đời lại có ai vô duyên vô cớ tới làm hại đứa nhỏ này, nên đoán là y không muốn để lại một đứa con như thế, mất mặt với võ lâm.
Lưu quý phi nói câu ấy vừa thẹn vừa giận, vừa sợ vừa nhục, không biết làm sao là tốt, đột nhiên nói:
- Không, quyết không phải y? Giọng cười ấy nhất định không phải là y!
Ta nói:
- Nàng đang hoảng sợ, làm sao nhận ra được?
Nàng nói:
- Giọng cười ấy ta vĩnh viễn ghi nhớ, có chết cũng không quên được. Không, quyết không phải y!
Mọi người nghe tới đó, đột nhiên đều cảm thấy lạnh người. Quách Tĩnh và Hoàng Dung trong lòng đột nhiên nhớ tới lời lẽ dung mạo của Anh Cô, tưởng tượng dáng vẻ nghiến răng nghiến lợi của bà lúc nói ra câu ấy năm xưa, bất giác cũng cảm thấy sợ hãi.
Nhất Đăng đại sư nói tiếp:
- Lúc ấy ta thấy nàng nói ra chém đinh chặt sắt như thế cũng tin. Chỉ là đoán không ra thích khách rốt lại là ai. Ta cũng từng suy nghĩ, chẳng lẽ là một trong đám đệ tử Mã Ngọc, Khưu Xử Cơ, Vương Xử Nhất của Vương chân nhân muốn bảo toàn danh dự của phái Toàn Chân, nên từ ngàn dặm xa xôi tìm tới sát nhân diệt khẩu... .
Quách Tĩnh máy môi định nói, nhưng không dám ngắt lời Nhất Đăng đại sư, Nhất Đăng nhìn thấy nói:
- Ngươi nghĩ gì cứ nói ra đừng ngại.
Quách Tĩnh nói:
- Mã đạo trưởng, Khưu đạo trưởng đều là anh hùng hiệp nghĩa, quyết không làm chuyện như thế.
Nhất Đăng nói:
- Vương Xử Nhất thì ta từng gặp qua ở Hoa sơn, về nhân phẩm quyết không kém. Người khác thế nào thì ta không biết. Chẳng qua nếu là họ thì nhẹ nhàng đánh một chưởng giết chết đứa nhỏ này cũng được tại sao lại chỉ đánh nó nửa sống nửa chết?
Y ngẩng đầu nhìn ra cửa sổ, mặt đầy vẻ thẫn thờ, nghi vấn mười mấy năm thủy chung chưa cởi bỏ được trong lòng, trong thiền viện nhất thời im phăng phắc, qua hồi lâu Nhất Đăng nói:
- Được, ta sẽ kể tiếp... .
Hoàng Dung đột nhiên lớn tiếng kêu lên:
- Chắc chắn rồi, đúng là Âu Dương Phong.
Nhất Đăng nói:
- Về sau ta cũng nghĩ tới y. Nhưng Âu Dương Phong là người ở Tây Vực, thân thể rất cao lớn, cao hơn người thường một cái đầu. Mà theo Lưu quý phi nói thì hung thủ lại lùn thấp hơn cả người thường.
Hoàng Dung nói:
- Thế thì lạ thật.
Nhất Đăng nói:
- Lúc ấy ta điều tra không ra, Lưu quý phi thì cứ bế đứa nhỏ khóc lóc. Thương thế của đứa nhỏ tuy không nặng bằng Hoàng cô nương lần này nhưng nó còn nhỏ, không chịu đựng nổi, nếu muốn cứu chữa thì ta phải hao tốn rất nhiều nguyên khí. Ta ngần ngừ hồi lâu, thấy Lưu quý phi khóc lóc rất đáng thương, mấy lần định mở miệng nói sẽ chữa trị cho nó, nhưng mỗi lần đều nghĩ tới chỉ cần ra tay một lần thì trong lần luận kiếm ở Hoa sơn lần thứ hai sẽ không còn hy vọng đứng đầu quần hùng, cũng đừng mong có được Cửu âm chân kinh. Ờ, Vương chân nhân nói bộ kinh ấy là một mối họa lớn cho võ lâm, làm hại mạng người, làm người ta tham lam, quả thật không sai chút nào. Vì bộ kinh ấy ta đánh mất hết lòng nhân ái của mình, cứ trầm ngâm suốt nửa giờ mới quyết định chữa thương cho nó. Ờ, trong nửa giờ ấy, ta quả thật là đứa tiểu nhân không bầng cầm thú. Chuyện đáng giận nhất là đến lúc cuối cùng khi ta quyết định ra tay trị thương, cũng hoàn toàn không phải là sửa lỗi làm lành, chỉ là không từ chối nổi lời năn nỉ của Lưu quý phi.
Hoàng Dung nói:
- Bá bá, con nói là người rất yêu bà, một chút cũng không sai đâu.
Nhất Đăng dường như không nghe nàng nói gì, lại nói tiếp:
- Nàng thấy ta ưng thuận chữa thương cho đứa nhỏ, mừng rỡ ngất đi luôn. Ta trước tiên chữa trị cho nàng tỉnh lại, sau đó cởi tã lót của đứa nhỏ ra để tiện dùng Tiên thiên công chữa trì cho nó, nào ngờ vừa cởi tã lót để lộ tấm yếm trên bụng đứa nhỏ ra, lập tức khiến ta ngẩn người tại chỗ, không nói được tiếng nào. Chỉ thấy tấm yếm thêu một đôi uyên ương, cạnh thêu bài từ Bốn khung may, té ra đó là chiếc khăn gấm năm trước Chu sư huynh vứt lại cho nàng.
Lưu quý phi thấy dáng vẻ của ta, biết sự tình không hay, mặt xám xanh nghiến răng rút một thanh chuỷ thủ chĩa vào ngực mình, kêu lên: Hoàng gia, thiếp không còn mặt mũi nào sống trên đời, chỉ cầu người đại ân đại đức cho phép thiếp được dùng mạng mình đổi mạng đứa nhỏ này, kiếp sau thiếp xin làm trâu ngựa để đền đáp ân tình của người. Nói xong đâm luôn thanh chuỷ thủ vào tâm khẩu.
Mọi người tuy biết Lưu quý phi hiện vẫn còn sống, nhưng đều không kìm được bật tiếng là hoảng.
Nhất Đăng đại sư nói tới đó, tựa hồ không còn là kể chuyện cũ cho mọi người nghe mà là mình nói với mình:
- Ta vội dùng Cầm nã thủ đoạt thanh chuỷ thủ nhưng nàng xuất thủ rất mau lẹ, thanh chuỷ thủ đã đâm vào thịt, trước ngực máu tươi đổ ra. Ta sợ nàng lại tự tìm cái chết bèn điểm huyệt tay chân, băng bó vết thương trước ngực nàng, để nàng nằm lên ghế nghỉ ngơi. Nàng không nói câu nào, chỉ nhìn nhìn ta, trong mắt đầy vẻ cầu khẩn. Hai người bọn ta không ai nói câu nào, lúc ấy trong tẩm cung chỉ có một loại tiếng động, chính là tiếng thở của đứa nhỏ.
Ta nghe tiếng thở của đứa nhỏ, nhớ lại rất nhiều, rất nhiều chuyện đã qua, lúc đầu nàng vào cung thế nào, ta dạy nàng luyện võ thế nào, sủng ái nàng thế nào. Nàng luôn luôn kính trọng ta, sợ ta, ngoan ngoãn hầu hạ ta, không dám trái ý ta chút nào, nhưng thật ra nàng không thật lòng thương yêu ta. Ta vốn không biết, nhưng hôm ấy nhìn thấy vẻ mặt của nàng với Chu sư huynh, ta đã hiểu ra. Một người con gái toàn tâm toàn ý yêu thương một người thì sẽ có ánh mắt như thế.
Nàng sững sờ nhìn chằm chằm vào chiếc khăn Chu sư huynh vứt dưới đất, ngẩn người nhìn theo y quay người ra khỏi cung, ánh mắt ấy của nàng khiến ta ăn không ngon ngủ không yên mấy năm, bây giờ lại nhìn thấy ánh mắt ấy. Nàng lại vì một người mà đau lòng, có điều lần này không phải vì người tình mà vì con nàng, là con của người tình của nàng!
Đại trượng phu sinh ra trên đời mà lại yêu thương người ta tới mức chịu nhục như thế, cũng uổng làm vua một nước! Ta nghĩ tới đó, bất giác lửa giận đầy lòng, nhấc chân lên đá nát luôn cái ghế bằng ngà voi trước mặt, ngẩng đầu lên trời, bất giác ngẩn người, ta nói:
- Nàng.., tóc nàng làm sao thế?
Nàng dường như chưa nghe ta nói, chỉ nhìn đứa nhỏ. Trước đó quả thật ta không biết trong ánh mắt của một người lại có thể có nhiều nỗi đau xót yêu thương, nhiều nỗi trìu mến như thế. Lúc ấy nàng đã biết ta quyết ý không chịu cứu đứa nhỏ, nên nhân lúc nó còn sống, nhìn nó thêm được càng nhiều càng tốt.
Ta cầm lấy một tấm gương, ném trước mặt nàng, nói:
- Nàng xem lại đầu tóc của nàng kìa! Nguyên là thời gian ngắn ngủi mấy giờ vừa qua đối với nàng cũng giống như trải qua mấy mươi năm, lúc ấy nàng chẳng qua chỉ mười tám mười chín tuổi, sau mấy giờ hoảng sợ, lo lắng, hối hận, thất vọng, đau lòng ấy, bấy nhiêu tình cảm xung đột, bên tóc mai đã xuất hiện vô số sợi bạc.
Nàng vẫn hoàn toàn không lưu ý tới việc dung mạo của mình đã thay đổi thế nào, chỉ trách tấm gương làm nàng chói mắt không nhìn rõ được đứa nhỏ nàng nói:
- Cầm tấm gương đi.
Nàng nói rất khinh suất quên mất rằng ta là hoàng đế, là chúa tể. Ta rất ngạc nhiên, nghĩ thầm:
-Nàng trước nay luôn luôn coi trọng dung mạo của mình, tại sao bây giờ lại không đếm xỉa gì tới? Lúc ấy ta ném tấm gương đi, chỉ thấy nàng nhìn đăm đăm không chớp vào đứa nhỏ, trước nay ta chưa từng thấy ánh mắt nào lo đắng như thế, chỉ xem đứa nhỏ có sống được hay không. Ta biết nàng hận là không chết thay cho đứa nhỏ được.
Nói tới đó, Quách Tĩnh và Hoàng Dung đồng thời nhìn nhau một cái, cùng nghĩ thầm:
- Lúc ta bị trọng thương, nhìn thấy không còn cách nào chữa được ngươi cũng nhìn ta như thế.
Hai người không kìm được, cùng đưa tay ra nắm mấy tay đối phương, hai quả tim đập rộn lên, cảm thấy toàn thân ấm áp, đang nghe chuyện bất hạnh đau lòng muốn chết của người khác bất giác nghĩ tới hạnh phúc của mình, vì người mình yêu thương đang ở bên cạnh, vì thương thế của nàng đã giảm hẳn, không đến nỗi phải chết. Đúng thế, nếu không phải chết thì trong tấm lòng của hai người trẻ tuổi yêu nhau, đối phương vĩnh viễn không bao giờ chết.
Chỉ nghe Nhất Đăng đại sư nói tiếp:
- Quả thật ta rất bất nhẫn, mấy lần muốn ra tay cứu con nàng, nhưng tấm yếm kia lại cứ sờ sờ trước mắt. Trên tấm khăn gấm ấy thêu một đôi uyên ương, dựa cổ vào nhau rất âu yếm thân thiết, hai con uyên ương ấy đầu đều màu trắng, ý nói là cùng sống với nhau đến lúc bạc đầu, nhưng tại sao lại có câu Đáng thương tóc trắng xua già tới? Ta quay lại thấy tóc mai của nàng đã bạc trắng, đột nhiên toát mồ hôi lạnh, Lúc ấy ta lại cứng rắn trở lại, nói:
- Được, các ngươi muốn bạch đầu giai lão thì ta làm hoàng đế lạnh lẽo trong cung cũng được! Đây là đứa con của các ngươi sinh ra, tại sao ta phải hao phí tinh thần khí lực cứu nó?
Nàng nhìn ta một cái, cái nhìn cuối cùng ấy đầy vẻ oán trách hận thù. Từ đó về sau nàng vĩnh viễn không bao giờ nhìn ta nữa, nhưng cái nhìn ấy thì đến chết ta cũng không quên được.
Nàng lạnh lùng nói:
- Thả ta ra, ta muốn bế con ta? Hai câu ấy nàng nói với giọng vô cùng nghiêm nghị như nàng là chúa tể của ta, khiến người ta rất khó phản đối, lúc áy ta giải huyệt cho nàng. Nàng ôm đứa con vào lòng, đứa nhỏ chắc rất đau đớn, định khóc nhưng khóc không ra tiếng, khuôn mặt nhỏ bé sưng vù bầm tím, hai mắt nhìn nhìn mẹ xin nàng cứu cho. Nhưng trong lòng ta ương ngạnh, không hề có nửa điểm từ tâm. Ta thấy tóc trên đầu nàng từng sợi từng sợi từ màu đen chuyển thành màu tro, từ màu tro chuyển thành màu trắng, không biết là ảo giác trong lòng ta hay là quả thật như thế, chỉ nghe nàng dịu dàng nói:
- Con ạ, mẹ không có tài năng để cứu con, mẹ chỉ có thể giúp con không đau đớn nữa, con cứ ngoan ngoãn ngủ đi, ngủ đi, con ạ con vĩnh viễn không tỉnh dậy nữa đâu!
Ta nghe nàng khe khẽ ru con như thế, dù rất dễ nghe, ha ha, mà dáng vẻ như thế, dáng vẻ như thế, các ngươi nghĩ xem!
Mọi người nghe y nói lại thấy không có chút nào là tiếng hát, bất giác nhìn nhau ngạc nhiên. Người thư sinh nói:
- Sư phụ, người mệt rồi, xin hãy nghỉ ngơi.
Nhất Đăng đại sư như không nghe thấy, lại nói tiếp:
- Trên mặt đứa nhỏ thoáng nụ cười nhưng lập tức đau đớn vặn vẹo toàn thân.
Nàng lại dịu dàng nói:
- Đứa con bảo bối của ta, con ngủ đi, không đau nữa đâu, một chút cũng không đau nữa đâu!
Đột nhiên sột một tiếng, thanh chuỷ thủ của nàng đã cắm ngập vào tâm oa đứa nhỏ.
Hoàng Dung la hoảng một tiếng nắm chặt tay Quách Tĩnh, những người còn lại đều mặt không còn huyết sắc.
Nhất Đăng đại sư cũng không đếm xỉa gì tới, lại nói:
- Ta kêu lớn một tiếng, lùi lại mấy bước, suýt nữa ngã lăn ra, trong lòng mịt mờ mịt mờ, hoàn toàn chết sững.
Chỉ thấy nàng từ từ đứng dậy, hạ giọng nói:
- Rốt lại cũng có một ngày ta sẽ dùng lưỡi chuỷ thủ này đâm một nhát vào tim ngươi.
Nàng chỉ chiếc vòng ngọc đeo trên cổ tay nói:
- Đây là vật ngươi cho ta hôm đầu tiên ta vào cung, ngươi chờ đấy, ngày nào ta tháo cái vòng ngọc này trả cho ngươi thì ngày ấy ngọn chuỷ thủ này cũng đâm xuống!
Nhất Đăng nói tới đó xoay chiếc vòng ngọc trong tay một vòng, cười khẽ một tiếng nói:
- Đây chính là cái vòng ngọc ấy, ta chờ mười mấy năm, rốt lại hôm nay đã tới rồi.
Hoàng Dung nói:
- Bá bá, bà ta giết con mình, có liên quan gì tới người? Đứa nhỏ cũng không phải là người đả thương. Huống hồ bà ta dùng thuốc độc hại người, cho dù năm xưa có thù hận thế nào thì cũng đã trả hết rồi. Ta xuống núi đánh đuổi bà ta đi, không để bà ta tới đây lằng nhằng...
Nàng nói chưa hết câu, chú tiểu sa di đột nhiên hớt hãi bước tới, nói:
- Sư phụ, dưới núi lại đưa đồ vật lên.
Rồi hai tay đưa lên một cái gói nhỏ. Nhất Đăng đón lấy, mọi người đồng thanh bật tiếng la hoảng, té ra cái bao ấy chính là cái yếm của đứa nhổ bằng chiếc khăn gấm.
Tấm khăn gấm đã biến thành màu vàng, nhưng đôi uyên ương thêu bên trên trông vẫn như mới. Giữa đôi uyên ương có một vết đao đâm thủng, chỗ lỗ thủng đã biến thành một vết máu bầm đen.
Nhất Đăng ngẩn người nhìn cái yếm, buồn rầu không nói, qua hồi lâu mới lên tiếng:
- Uyên ương liền cánh muốn cùng bay, hà, muốn cùng bay, rốt lại cũng thành một giấc mộng. Nàng ôm xác đứa con buông tiếng cười dài, nhảy qua cửa sổ ra ngoài, phi thân lên nóc nhà, trong chớp mắt không thấy bóng dáng đâu nữa. Ta không ăn không uống, nhớ nhung suốt ba ngày ba đêm, rốt lại mới đại ngộ, đem ngôi vua giao lại cho con trường của ta, từ đó xuất gia làm sư.
Y chỉ vào bốn người đệ tử nói:
- Họ theo ta đã lâu không chịu ly khai, cùng ta ở trong chùa Thiên Long ngoài thành Đại Lý. Ba năm đầu tiên bốn người thay nhau ở triều phụ tá con ta, về sau con ta đã thành thạo chính sự, quốc gia thanh bình yên ổn. Bọn ta lại gặp việc lên Đại Tuyết sơn hái thuốc, Âu Dương Phong đả thương người, mọi người đều tới đây, cũng chưa trở về nước Đại Lý.
Ta lòng dạ cứng rắn không chịu cứu con nàng, mười mấy năm nay chuyện đó thường khiến ta đêm đêm mất ngủ, nhưng muốn cứu thì đứa nhỏ cũng đã chết rồi, trừ phi ta lấy mạng ta đền cho nàng chứ tội nghiệt này làm sao trừ được? Ta hàng ngày vẫn chờ được tin Anh Cô, chờ nàng tới đâm chuỷ thủ vào tâm oa ta, chỉ sợ không đợi được, khi nàng tới ta đã hưởng hết tuổi trời rồi thì chuyện nhân quả này khó mà kết thúc. Được rồi, trước mắt cứ cho ta chờ thôi. Nàng cũng cần gì trộn thuốc độc vào Cửu hoa ngọc lộ hoàn? Nếu ta biết nàng sau khi hạ độc sẽ tìm tới thì trong vòng mấy giờ cũng còn chi trì được, cũng không cần sư đệ vất vả giải độc cho ta.
Hoàng Dung tức giận nói:
- Người đàn bà ấy lòng dạ tàn độc thật! Bà ta đã biết chỗ bá bá ở, lại sợ công phu của mình không bằng, nén lòng chờ thời cơ, vừa khéo con bị Cừu Thiết chưởng đả thương, bèn chỉ con tới đây xin bá bá chữa trị, một mũi tên được hai đích, đã để bá bá hao tốn chân lực rồi thừa cơ hạ độc, thật không ngờ con lại trở thành lợi khí trong tay mụ ác phụ hại người ấy. Bá bá, bức họa của Âu Dương Phong tại sao lại nằm trong tay bà ta. Bức họa ấy có liên quan gì tới vụ này?
Nhất Đăng đại sư cầm bộ Đại trang nghiêm luận kinh trên chiếc bàn nhỏ, giở ra một chỗ, đọc:
- Trước kia có một vị vua tên Nhật Lô Tỳ, chuyên cần khổ hạnh để mong chứng ngộ được pháp môn chính giác. Một hôm có con đại bàng đuổi theo một con bồ câu, con bồ câu bay vào nách Lô Tỳ, toàn thân run rẩy. Đại bàng xin vua trả lại, nói:
- Quốc vương cứu bồ câu thì đại bàng không khỏi phải chết đói.
Vua nghĩ cứu một vật hại một vật, về lẽ thì không đúng, vì vậy cầm dao sắc tự cắt thịt đùi cho đại bàng ăn. Đại bàng lại nói:
- Chỗ thịt quốc vương cắt nhẹ hơn thịt bồ câu. Vua Lô Tỳ bảo lấy cân ra, đặt miếng thịt đùi và bồ câu lên hai đĩa cân nhưng miếng thịt nhẹ hơn, đĩa cân bên con bồ câu chúc xuống. Vua tiếp tục cắt thịt bụng, thịt vai, thịt cánh tay, thịt nách mà vẫn không nặng bằng con bồ câu, vua nhảy luôn lên cân. Lúc ấy mặt đất chấn động, các tiên tấu nhạc, thiên nữ rắc hoa, hương thơm ngát đường. Thiên long, dạ xoa đều từ trên không ca ngợi
- Thiện tai thiện tai, đại dũng như thế, xưa nay chưa có.
Đó tuy là chuyện thần thoại nhưng Nhất Đăng đọc rất từ bi trang nghiêm, mọi người nghe đều không khỏi cảm động.
Hoàng Dung nói:
- Bá bá, bà ta sợ người không trị thương cho con, nên dùng bức họa này để làm người động lòng.
Nhất Đăng cười khẽ nói:
- Đúng là như thế. Hôm ấy nàng rời Đại Lý, lòng đầy oán hận, nhất định đã hỏi khắp các hảo thủ giang hồ muốn học võ để trả thù, vì thế gặp Âu Dương Phong. Âu Dương Phong hiểu rõ tâm ý nàng chắc cũng trù hoạch kế sách giúp, vẽ bức tranh này cho nàng. Bộ kinh này lưu truyền rộng rãi ở Tây Vực, Âu Dương Phong là người Tây Vực ắt cũng đã biết câu chuyện này.
Hoàng Dung căm hờn nói:
- Lão Độc vật lợi dụng Anh Cô, mà Anh Cô lại lợi dụng con, đây đúng là độc kế liên hoàn mượn dao giết người.
Nhất Đăng thở dài nói:
- Ngươi cũng không cần tự trách mình, nếu ngươi không gặp nàng, nàng cũng sẽ tùy ý đánh một người bị thương rồi chỉ y tới đây xin ta chữa trị cho, chỉ là nếu không có người võ công cao cường hộ tống thì không dễ mà lên được núi. Bức tranh này của Âu Dương Phong vẽ đã lâu, mưu kế an bài ít nhất cũng đã mười năm. Trong mười năm ấy không tìm được cơ duyên nào tốt, đó cũng là vận số xui khiến ra như thế.
Hoàng Dung nói:
- Bá bá, ta biết rồi. Bà ta còn có một điều tâm sự, so với việc hại người còn quan trọng hơn.
Nhất Đăng a một tiếng, nói:
- Chuyện gì?
Hoàng Dung nói:
- Lão Ngoan đồng bị cha con giam trên đảo Đào Hoa, bà ta muốn cứu y ra.
Lúc ấy bèn kể lại việc bà ta khổ học thuật Kỳ môn độn giáp, lại nói:
- Về sau mới biết cho dù có học thêm một trăm năm cũng không thể bằng được cha con, lại đúng lúc gặp con bị thương, vì vậy...
Nhất Đăng đại sư cười lớn đứng lên nói:
- Được rồi, được rồi, một điều xong là trăm điều xong, mọi sự vừa khéo hợp nhau, hôm nay cũng có thể cho nàng được thỏa tâm nguyện.
Rồi sầm mặt nói với bốn đệ tử:
- Các ngươi mau mau đi tiếp dẫn Lưu quý phi, không phải, tiếp dẫn Anh Cô lên núi, không được có nửa câu bất kính đấy.
Bốn đệ tử không hẹn mà đều nằm phục xuống đất khóc lớn, đồng thanh kêu lên:
- Sư phụ!
Nhất Đăng thở dài nói:
- Các ngươi theo ta bấy nhiêu năm, chẳng lẽ còn không rõ tâm sự của sư phụ sao?
Rồi quay nhìn Quách Hoàng hai người nói:
- Ta xin hai vị giúp cho một việc.
Quách Hoàng cùng nói:
- Chỉ cần người ra lệnh, không gì dám không vâng lời.
Nhất Đăng nói:
- Được. Bây giờ các ngươi xuống núi đi. Ta một đời phụ Anh Cô quá nhiều, sau này nếu nàng gặp phải nguy hiểm gì, chỉ xin hai vị nể mặt lão tăng ra sức giúp đỡ. Nếu hai vị có thể tác thành mỹ sự giữa Chu sư huynh với nàng thì lão tăng càng vô cùng cảm kích.
Quách Hoàng hai người ngạc nhiên nhìn nhau, không dám ưng thuận. Nhất Đăng thấy hai người không lên tiếng, lại hỏi một câu:
- Đây là lão tăng ra sức khẩn cầu, chẳng lẽ hai vị khó ưng thuận sao?
Hoàng Dung hơi do dự, nói:
- Bá bá đã nói thế thì chúng con tuân lệnh là được.
Rồi kéo áo Quách Tĩnh một cái, lạy phục xuống từ biệt. Nhất Đăng lại nói:
- Các ngươi không cần gặp Anh Cô, cứ theo đường sau núi xuống thôi.
Hoàng Dung lại vâng dạ, kéo Quách Tĩnh quay người bước ra cửa.
Bốn đệ tử thấy nàng không hề có vẻ đau xót, đều mắng thầm nàng lòng dạ lạnh lùng, nhìn thấy ân nhân cứu mạng cho mình tính mạng chỉ còn trong khoảnh khắc mà lại chẳng hề quan tâm, nói đi là đi luôn.
Quách Tĩnh cũng biết Hoàng Dung quyết không chịu chắp tay đứng nhìn, tất nhiên đã có kế khác, lúc ấy theo nàng ra cửa. Đi tới cổng, Hoàng Dung ghé tai y nói khẽ mấy câu. Quách Tĩnh dừng bước ngần ngừ, rốt lại gật đầu, quay người lại từ từ trở vào.
Nhất Đăng nói:
- Ngươi ôm lòng trung hậu, tương lai ắt sẽ nên người. Chuyện của Anh Cô ta xin gởi gắm cho ngươi.
Quách Tĩnh nói:
- Được! Chuyện của đại sư, vãn bối sẽ tận tâm kiệt lực.
Đột nhiên vung tay chụp qua, nắm lấy cổ tay nhà sư Thiên Trúc bên cạnh Nhất Đăng, tay trái thừa thế đâm tới phong tỏa hai đại huyệt Hoa cái và Thiên trụ của y. Hai huyệt ấy một chủ về tay, một chủ về chân, hai huyệt bị phong bế thì tứ chi lập tức không động đậy gì được. Chuyện này hoàn toàn không ai ngờ tới, Nhất Đăng và bốn đại đệ tử đều cả kinh thất sắc, cùng quát lên:
- Làm gì thế?
Quách Tĩnh không nói gì, tay trái lại chụp vào đầu vai Nhất Đăng.
Nhất Đăng đại sư thấy trảo của Quách Tĩnh chụp tới, tay phải lật lại nhanh như chớp đã bắt được cổ tay trái y. Quách Tĩnh giật nảy mình nghĩ thầm mới rồi toàn thân Nhất Đăng đã bị chưởng lực của mình trùm lên, lại có thể phá thế phản kích, mà lại trong một đòn đánh trúng chỗ yếu hại, công phu ấy quả thật vô cùng cao thâm Nhưng tay Nhất Đăng vừa nắm vào ba bộ mạch Thốn Quan Xích trên cổ tay y thì lập tức hiện rõ kình lực hư nhược, cái chụp ấy yếu ớt không chắc. Quách Tĩnh lập tức cướp cơ hội chụp lại, lật tay gõ vào mu bàn tay y, tay phải ra chiêu Thần long bãi vĩ đỡ hai chiêu của người đánh cá và người tiều phu từ phía sau đánh tới, ngón trỏ tay trái vươn ra điểm trúng hai huyệt Phượng vĩ, Tinh suất dưới sườn Nhất Đăng đại sư, kêu lên:
- Bá bá, rất xin lỗi.
Lúc ấy Hoàng Dung đã sử dụng Đả cẩu bổng pháp ép người nông phu ra tận ngoài cửa thiền phòng. Người thư sinh vì chuyện xảy ra bất ngờ, chưa hiểu rõ dụng ý của hai người Quách Hoàng, liên tiếp kêu lên:
- Có gì cứ nói, không cần động thủ mà.
Người nông phu thấy sư phụ bị người ta khống chế, thế như cọp điên, bất kể tính mạng xông vào thiền phòng, nhưng Đả cẩu bổng pháp tinh diệu tới mức nào, ba lần xông vào đều bị Hoàng Dung đẩy lùi về chỗ cũ. Quách Tĩnh hai tay vù vù rít gió vẽ thành một vòng tròn, từ trong thiền phòng xông ra, người đánh cá, người tiều phu, người thư sinh đều bị chưởng lực của y bức bách từng bước từng bước lùi ra khỏi cửa phòng. Hoàng Dung đánh mau một chiêu đâm thẳng vào Mi tâm người nông phu. Một chiêu này mau lẹ tuyệt luân, người nông phu ối một tiếng ngửa đầu mau về phía sau, nhảy ngang ra vài thước. Hoàng Dung quát lên:
- Giỏi lắm!
Rồi lật tay đóng cánh cửa thiền phòng sau lưng, cười hề hề nói:
- Các vị dừng tay, ta có câu muốn nói.
Người tiều phu và người đánh cá mỗi người đỡ một chường của Quách Tĩnh đều cảm thấy cánh tay tê chồn, bước chân lảo đảo. Nhìn thấy Quách tĩnh lại vung chưởng đánh tới, hai người sóng vai sấn lên, toan hợp sức đón đỡ. Quách Tĩnh nghe Hoàng Dung nói thế, chường đánh ra tới nửa chừng đột nhiên thu lại ôm quyền nói:
- Đắc tội, đắc tội.
Ngư Tiều Canh Độc ngạc nhiên nhìn nhau. Hoàng Dung lấy vẻ mặt nghiêm trang nói:
- Bọn ta chịu ơn nặng của tôn sư, nhìn thấy tôn sư có nạn, há lại buông tay không nhìn ngó tới. Mới rồi mạo phạm, quả thật là có ý giúp nhau.
Người thư sinh bước lên vái dài một vái, nói:
- Người đối đầu của gia sư lại là chủ mẫu của bốn người bọn ta, tôn ty có phân biệt, bà ta tìm lên núi, bọn ta không dám ra tay. Huống chi gia sư lại vì cái chết của tiểu.., tiểu hoàng gia, hơn mười năm nay canh cánh trong lòng, lần này cho dù không hao tổn công lực, không bị trúng độc, thấy Lưu quý phi tới ắt cũng buông tay nhận của bà một đao. Bọn ta khó chống lệnh của sư phụ, lòng như lửa đốt, quả thật trí cùng lực kiệt, không biết làm sao là tốt. Cô nương tài hoa tuyệt thế, nếu có thể chỉ điểm cho một con đường sáng, bọn ta tan xương nát thịt cũng nhất định sẽ báo đáp đại ân đại đức.
Hoàng Dung nghe y nói rất khẩn thiết như thế cũng không tiện nhơn nhơn đùa giỡn với y như lúc nãy, bèn nói:
- Lòng biết ơn của sư huynh muội bọn ta đối với tôn sư cũng không khác gì các vị, nhất định phải hết sức hành sự. Nếu cản được không cho Anh Cô tiến vào thiền viện thì không gì tốt bằng, nhưng chắc bà ta mưu tính, kiên trì chờ đợi trong đầm bùn đen dưới núi hơn mười năm thì lần này ắt đã chuẩn bị đầy đủ mà tới, sợ không dễ mà cản được. Kế mà tiểu muội nghĩ phải mạo hiểm, nếu thành công thì có thể vất vả một lần mà yên ổn mãi mãi, lại không phải lo lắng về sau. Chỉ là quá sức nguy hiểm, Anh Cô khôn ngoan giảo hoạt, võ công lại cao cường, chưa chắc đã có thể thành công. Nhưng ta tài trí kém cỏi, quả thật không nghĩ ra kế sách nào vạn toàn.
Ngư Tiều Canh Độc đồng thanh nói:
- Xin được nghe rõ.
Hoàng Dung hơi nhường mày, chỉ khiến bốn người ngớ mặt nhìn nhau, hồi lâu không nói được tiến Đến giờ Dậu, mặt trời dần dần lặn xuống sau núi, gió núi nổi mạnh, thổi vào khiến mấy hàng cây bồ đề trước thiền viện lắc lư nghiêng ngả, lá sen tàn dưới ao xào xạc thành tiếng, ánh chiều tàn từ sau đỉnh núi hắt ra, khiến bóng núi giống hệt một quái nhân cao lớn nằm ngang trên mặt đất.
Bốn người Ngư Tiều Canh Độc ngồi xếp bằng trên mặt đất cuối cầu đá, mở to mắt nhìn chằm chằm ra phía trước, ai cũng trong lòng hồi hộp không yên. Đợi hồi lâu, sắc trời tối dần, mấy con quạ quang quác bay về sơn cốc dưới núi, làn mù trắng trong sơn cốc dần dần lan ra, nhưng chỗ khúc quanh cạnh vách núi ở đầu kia chiếc cầu đá vẫn không có người nào xuất hiện.
Người đánh cá nghĩ thầm:
- Chỉ mong Lưu quý phi chợt thay đổi tâm ý, nghĩ tới chuyện này cũng không trách được sư phụ, có thể dừng ngựa trên bờ vực, vì thế không tới nữa.
Người tiều phu nghĩ thầm:
- Lưu quý phi khôn ngoan giảo hoạt, nhất định đã có gian kế gì đây.
Người nông phu nóng nảy nhất, nghĩ thầm:
- Tới sớm một khắc thì kết thúc sớm một khắc, là họa hay phúc, là tốt hay xấu cũng còn biết được, nói tới mà lại không tới khiến người ta bực cả mình.
Người thư sinh lại nghĩ:
- Bà ta tới càng muộn thì càng nguy hiểm, chuyện này lại càng khó kết thúc tốt đẹp.
Y vốn là người đa mưu túc trí, làm Tể tướng Đại Lý hơn mười năm, trận lớn trận nhỏ gì cũng đã trải qua nhưng lúc ấy vẫn thấy sốt ruột, ý nghĩ dâng trào, không nghĩ ra nửa điểm chủ ý, nhìn thấy bốn bên tối dần, xa xa văng vẳng vang tới mấy tiếng chim cú kêu, đột nhiên nghĩ tới lời người ta nói:
- Loài chim đêm này núp trong chỗ tối, lén đếm lông mày của người ta. Lông mày của ai bị đếm rõ ràng thì người ấy không sống được tới sáng.
Đó rõ ràng là câu nói để dọa trẻ con, nhưng lúc ấy nghe mấy tiếng chim cú kêu, toàn thân đột nhiên không lạnh mà run:
- Chẳng lẽ sư phụ không thoát khỏi cơn kiếp nạn này, phải chết trong tay người đàn bà này sao?
Đang nghĩ tới đó, chợt nghe người tiều phu run giọng kêu lên:
- Tới rồi!
Y vừa ngẩng đầu lên, chỉ thấy một cái bóng đen đang lướt như bay tới, gặp chỗ khuyết khẩu thì nhẹ nhàng nhảy qua, tựa hồ không tốn chút khí lực nào. Bốn người trong lòng càng hoảng sợ:
- Lúc bà ta theo học võ nghệ với sư phụ, bọn mình đã học được chân truyền của sư phụ. Tại sao võ công của bà ta đột nhiên hơn cả bọn mình? Trong hơn mười năm nay bà ta học được một thân công phu ấy ở đâu?
Chỉ thấy cái bóng đen ấy càng đi càng tới gần, bốn người đứng lên chia ra đứng hai bên. Trong chớp mắt cái bóng đen ấy đã đi hết cầu đá, chỉ thấy bà ta toàn thân mặc quần áo đen, vẻ mặt có thể nhìn thấy thấp thoáng, đúng là Lưu quý phi được Đoàn hoàng gia mười phần sủng ái năm xưa. Bốn người quỳ xuống dập đầu, nói:
- Tiểu nhân tham kiến nương nương.
Anh Cô hừ một tiếng, đưa mắt quét ngang mặt bốn người, nói:
- Cái gì mà nương nương với không nương nương? Lưu quý phi chết rồi, ta là Anh Cô. Ờ, Đại thừa tướng, Đại tướng quân, Thủy quân đô đốc, Tổng quản Ngự lâm quân đều ở đây cả. Ta cho rằng hoàng gia quả thật hiểu rõ tình đời, xuống tóc làm sư, té ra lại núp ở trong núi sâu này, vẫn làm chức hoàng đế an lạc thái bình của y.
Trong câu nói ấy đầy giọng oán độc, bốn người nghe thấy, trong lòng run sợ.
Người thư sinh nói:
- Hoàng gia đã sớm không còn như trước nữa. Nương nương gặp ông nhất định sẽ nhận không ra đâu.
Anh Cô cười nhạt nói:
- Các ngươi cứ nương nương này nương nương nọ là muốn mỉa mai ta phải không? Cứ quỳ thẳng lưng ở đây là muốn lạy chết ta phải không?
Ngư Tiều Canh Độc bốn người nhìn nhau một cái, đứng lên nói:
- Tiểu nhân xin thỉnh an người.
Anh Cô xua tay một cái nói:
- Hoàng gia bảo các ngươi ra đây cản trở ta thì còn múa mép văn hoa làm gì? Muốn động thủ thì động thủ mau đi. Vua tôi các ngươi đã hại không biết bao nhiêu là bách tính rồi, đối với một người đàn bà như ta thì còn giả vờ làm gì?
Người thư sinh nói:
- Hoàng gia yêu dân như con, khoan hậu nhân từ, thần dân nước Đại Lý đến nay không ai không xưng tụng. Hoàng gia ta đừng nói là bình sinh không hề giết hại người vô tội, cho dù người phạm trọng tội hoàng gia ta cũng thường đặc biệt ra ơn. Chẳng lẽ nương nương không biết sao?
Anh em thoáng đỏ mặt, cao giọng nói:
- Ngươi dám nói móc ta à?
Người thư sinh nói:
- Tiểu thần không dám.
Anh Cô nói:
- Ngươi ngoài miệng xưng thần, nhưng trong lòng há lại giữ phận quân thần? Ta muốn gặp Đoàn Trí Hưng, các ngươi có nhường đường hay không?
Đoàn Trí Hưng chính là tên tục gia của Nhất Đăng đại sư, Ngư Tiều Canh Độc bốn người tuy biết nhưng trước nay không dám gọi ra miệng, nghe thấy Anh Cô gọi thẳng như vậy đều không kìm được run sợ. Người nông phu lúc trong triều từng giữ chức Tổng quản Ngự lâm quân của Đoàn hoàng gia, lúc ấy lại càng không nhịn được, cao giọng quát:
- Một ngày làm vua, suốt đời được tôn kính, tại sao ngươi lại buông ra lời vô lễ như thế?
Anh Cô buông tiếng cười dài, cũng không lên tiếng, xông thẳng về phía trước, bốn người cùng đưa hai tay ra cản lại, nghĩ thầm:
- Bà ta công phu tuy cao cường nhưng bốn người bọn mình hợp lực thì cũng có thể cản lại Hôm nay cho dù trái lệnh sư phụ, nhưng ngộ biến tòng quyền, thì cũng không trách được.