Tăng tốc cùng Ninja và những người bạn để tận hưởng niềm vui chiến thắng
Chương 3 (1). Buổi chiều tà hôm ấy
Kỉ Đình đi vào buồng trong rồi, Từ Thục Vân cười bảo, “Cái thằng bé này, xem ra một tí rượu cũng chẳng uống được thật”. Cả mấy người còn lại đều miễn cưỡng cười cười, bữa cơm qua quýt kết thúc trong cảm giác gượng gạo như nhau rơm.
Uông Phàm cùng Từ Thục Vân vừa mới thu dọn bát đũa, Chỉ Di đã quay trở lại, vừa vào đến cửa đã sốt ruột bảo với Uông Phàm, “Mẹ ơi, con không tìm thấy em Chỉ An đâu cả, làm thế nào bây giờ?”.
Uông Phàm dỗ dành cô bé, “Ngốc ạ, trường rộng thế này, con tìm em ở đâu được, mạn này có đứa nào thạo đường hơn em con? Yên tâm đi, chơi ở ngoài mệt rồi nó khắc mò về ngay ấy mà”.
Tiễn cả nhà Cố Duy Trinh về rồi, Từ Thục Vân vẫn còn loay hoay trong bếp, Kỉ Bồi Văn bước vào phòng con trai.
Kỉ Đình nửa tựa nửa nằm ở đầu giường, mắt nhắm tịt, đeo tai nghe, sắc mặt vẫn đỏ lựng, không biết đã thiếp ngủ hay đang chăm chú nghe cái gì. Kỉ Bồi Văn ngồi xuống bên giường, khẽ khàng gỡ đôi tai nghe bên tai Kỉ Đình, Kỉ Đình thấy động, bèn mở choàng mắt, lật bật ngồi ngay dậy, “Bố, có việc gì thế ạ?”.
Kỉ Bồi Văn lấy chiếc tai nghe đưa sát lại tai mình, vừa để gần chút, đã nghe thấy bên trong vang ra tiếng nhạc rầm rầm như muốn nổ tung, ông khẽ chau mày, bấm nút dừng, lấy băng cassette ra xem. Hóa ra là album của nhóm Beyond. Lúc bấy giờ Beyond đang nổi đình nổi đám, trong đám học sinh của Cố Duy Trinh có không ít cô cậu mê mẩn ban nhạc này, nên đại khái ông cũng đã nghe qua ít nhiều. Nhưng vừa nghe thấy âm thanh đàn trống cuồng điên cùng tiếng hát như thể thét gào này, ông đã thấy đau đầu không chịu nổi. Đương nhiên, ông hiểu rằng sở thích của trẻ con chẳng hề giống với những người thuộc thế hệ mình, nhưng đúng là trước nay chưa từng nghĩ rằng cậu con trai lặng lẽ thư sinh lại đi thích cái thứ này.
“Bố lại cứ tưởng là con đang nghe băng độc tấu dương cầm mà mẹ con mua cho cơ đấy.” Kỉ Bồi Văn đưa trả cái máy nghe nhạc với băng cassette vào tay cậu con trai, điềm đạm nói.
Kỉ Đình cụp mắt xuống, bất giác lấy tay mân mê cái dây đeo tai nghe, đáp lời, “Con có nghe, có điều nghe nhiều quá rồi nên cũng chán”.
“Cái này… con không thấy ồn ào quá à?” Kỉ Bồi Văn trỏ vào chiếc băng cassette trong máy nghe nhạc.
Kỉ Đình nhoẻn cười, nhưng chẳng nói năng gì. Đương nhiên cậu sẽ không nói rằng, thực ra cậu rất thích cái thứ nhạc có phần ngông cuồng này, không hiểu sao, khi nghe nó cậu lại cảm thấy hưng phấn.
Kỉ Bồi Văn nhìn vẻ cười cười của Kỉ Đình, nghĩ bụng, có lẽ ông chẳng hiểu rõ cậu con trai bấy nay vẫn khiến ông tự hào như ông vẫn tưởng. Thấy Kỉ Đình không hó hé gì, ông quyết định tự khơi chuyện ra nói, “Bố nghe hiệu trưởng Trần ở trường các con kể là, hình như con điền tên Ngũ Trung trong tờ đơn nguyện vọng”. Ông gắng sức giữa giọng điệu thật tự nhiên, như thể trò chuyện với con trai lúc bình thường vậy.
Kỉ Đình ngay lập tức mở to mắt, liếc nhìn bố, sau đó tựa hồ đã hiểu ra điều gì, tia sáng lóe lên trong mắt vội vã biến mất, thế nhưng sau đó cậu lại chọn cách im lặng. Kỉ Bồi Văn thấy con vẫn không nói gì, liền tiếp lời, “Ngũ Trung thì cũng không tệ, nhưng mà người ở trường đấy hơi phức tạp, lại xa nhà quá, bố với mẹ con đã bàn bạc một chút, và nghĩ là con nên học tiếp trường chuyên ở đây thì hay hơn, thế nên, bố đã cậy nhờ hiệu trưởng Trần giúp con sửa đổi phần nguyện vọng rồi”. Nói xong những lời này, Kỉ Bồi Văn chăm chú nhìn con trai, thế nhưng khuôn mặt Kỉ Đình chẳng biểu hiện gì, khiến ông bỗng nhiên chẳng biết làm thế nào, đành phải nói bồi thêm một câu, “Con trai à, bố mẹ đều muốn tốt cho con thôi, từ nhỏ đến lớn, con vẫn là một đứa con ngoan, là niềm tự hào của bố mẹ, hết thảy hy vọng của bố mẹ đều gửi gắm vào con đấy…”.
“Bố!” Kỉ Đình chen ngang lời ông, “Con hiểu rồi, con điền tên Ngũ Trung cũng chỉ là nhất thời hứng lên bày trò nghịch ngợm thôi, lúc này cũng đã thấy hối hận, mọi người sửa cho con rồi thì tốt quá”. Cậu lấy chiếc băng cassette trong máy nghe nhạc ra, rồi bước xuống giường, “Bố, con ra ngoài dạo chơi một tí”.
Nhìn Kỉ Đình bước ra khỏi cửa, Kỉ Bồi Văn thấy hơi lo lắng, con trai ông vốn là đứa hiểu lẽ, ông vẫn luôn biết thế, nhưng thấy nó tiếp nhận việc này bình tĩnh quá đỗi, bản thân ông lại thấp thỏm không yên, bèn cất giọng hỏi, “Đi dạo ở đâu thế con? Trời sắp tối rồi, đừng đi xa quá nhé!”.
Kỉ Đình ở ngưỡng cửa phòng ngoái đầu lại, “Con chỉ đi loanh quanh trong trường thôi, một chốc là về ấy mà, bố yên tâm đi ạ, con không đi xa quá đâu”.
Cậu rời khỏi nhà, cứ lững thững trong khuôn viên trường dưới ánh chiều tà, trong lòng là thứ cảm giác gì, chính bản thân cậu cũng chẳng nói ra nổi, men rượu vương lại còn đang thiêu đốt cậu, thế nhưng trong lòng lại vô cùng lạnh lẽo, chỉ cảm thấy ở nơi nào đó sâu trong lồng ngực có thứ gì như nùi chỉ rối đang tắc nghẹn, chẳng phải đớn đau, chỉ là nỗi buồn rầu, khóc không nổi cũng không nói ra được, một nỗi sầu không thể chịu đựng.
Đừng có đi đâu xa quá, họ đã nói thế.
Cậu biết bản thân mình sẽ chẳng đi đâu xa quá, chỉ là muốn tìm một chỗ nào đấy không có ai để mà ngẫm ngợi một chút, sau đó cậu vẫn sẽ quay về nhà, tiếp tục làm một đứa con ngoan. Từ khi còn nhỏ xíu, cậu đã quen với việc gắng sức đè nén thứ gì đó trong lòng mình xuống, dần dà, làm những việc mọi người cho là đúng đắn đã trở thành bản năng, đôi khi cậu cũng cảm thấy, có lẽ bản tính của mình chính là làm một đứa con ngoan vậy.
Chỗ nào cũng có người, chẳng có nơi nào để hít thở cho thỏa thuê. Kỉ Đình liên tục mỉm cười chào hỏi những bạn học, thầy cô giáo cùng người quen của bố mẹ mà cậu gặp trên đường, bước chân bất giác hướng về con đường nhỏ vắng vẻ, cuối cùng, người càng lúc càng thưa thớt, đây không phải con đường cậu vẫn thường đi, thế nhưng cậu cảm giác được nỗi thân quen kỳ lạ, tận đến lúc trước mắt bỗng đâu mở ra cả một khoảng rộng rãi, cậu mới biết rằng rất lâu trước đây đã từng đặt chân tới nơi này.
Vầng dương sắp lặn sau rặng núi nhuộm bốn bề một sắc vàng vọt mịt mờ, Kỉ Đình tựa lưng vào một tảng đá nhẵn bóng trên thảm cỏ, rút băng cassette từ trong túi ra, tỉ mẩn ngắm nghía một hồi, sau đó bắt đầu lấy hết sức giằng xé nó, cậu vò rối đám dây từ, cuốn lên tay, rồi hung hãn giật đứt tung hết cả.
Từ trước tới nay cậu chưa làm thế này bao giờ, thế nhưng thây kệ, đằng nào cũng có ai nhìn thấy đâu, đến khi quay trở lại trước mặt mọi người, cậu lại là một tấm gương học hành giỏi giang xuất sắc, cậu cảm thấy xưa nay chưa bao giờ được sảng khoái như lúc này. Tận đến lúc nghe thấy tiếng “ha ha”, cậu mới hoảng hồn kinh ngạc, vội vã ngừng bặt động tác còn dang dở, ngẩng đầu lên, chỉ thấy cô nàng Chỉ An hai tay chắp sau lưng, đủng đỉnh mò ra từ phía bên kia tảng đá.
Chỉ An không nói gì, chỉ dùng ánh mắt “bắt quả tang rồi nhé” mà nhìn vào cái kiệt tác lùng nhùng trước mặt Kỉ Đình. Kỉ Đình sững cả người, sau đó mới nghĩ bụng mình chẳng cần e dè với Chỉ An, thế nên cậu mỉm cười với cô bé, tiếp tục vò xé cái băng Beyond trước nay cậu vẫn nâng niu yêu quý. Chỉ An nhìn một lúc, cuối cùng cũng mở miệng, “Thế này thì có gì vui, đi theo em!”.
Chương 3 (2). Buổi chiều tà hôm ấy
Cô bé ra hiệu cho cậu đi theo, Kỉ Đình ngẩn ngơ một chút, quăng đi cái đám lằng nhằng ở tay, rồi hướng theo bóng Chỉ An mà bước. Chỉ An lon ton thành thạo dắt cậu chàng mò mẫm qua mấy bụi cây thấp lè tè lùm xùm rậm rạp, sau đó leo lên mấy mô đất thấp, cuối cùng ra hiệu cho cậu nằm rạp xuống đám cỏ trên đỉnh mô đất. Kỉ Đình làm theo, thế nhưng vẫn thắc mắc không hiểu cô bé định làm gì, chẳng mấy chốc đã thấy Chỉ An lôi từ trong túi ra một chiếc súng cao su được làm rất tỉ mẩn xinh xẻo, thứ đồ này thì Kỉ Đình biết, chính là món quà mà bố cậu tặng cho Chỉ An chứ đâu. Tiếp theo, cô nàng lại móc ra mấy quả gai xù xì như lông nhím vừa nhặt dọc đường, cho một quả vào dây bắn súng cao su, rồi sau đó kéo căng hết sức, khẽ khàng vén cành lá trước mặt, nhắm thẳng phía trước. Kỉ Đình nhìn theo hướng ấy, hóa ra phía dưới mô đất mà hai đứa đang núp là một con đường nhỏ, giờ là lúc các đôi tình nhân sinh viên bắt đầu nườm nượp dạo bước trên đường, trông thấy một đôi nam nữ bám lấy nhau như trẻ sơ sinh dính liền, Chỉ An nheo một mắt lại, chuẩn bị đúng tư thế ngắm bắn.
Kỉ Đình vội vã kéo xệch cô bé, rồi lắc đầu, cậu đã sơ sơ đoán được cô bé định làm gì, nên vô thức ngăn lại. Chỉ An liếc cậu một cái cảnh cáo, sau đó ra hiệu cho cậu bỏ tay, Kỉ Đình vừa mới buông ra, cô bé đã bắn “păng” quả gai gài sẵn ở dây thun.
Thực ra cái thứ quả gai này chẳng làm cho ai bị thương được, nhưng nếu bắn ra phải da dẻ trần trụi thì cũng đau phải biết. Phát đạn thứ nhất của Chỉ An bắn trúng vào đầu “con mồi”, liền sau đó là tiếng con gái kêu thất thanh, hai chiếc đầu đang ghé sát bên nhau vội vã tách ra. Hóa ra quả gai ấy đã bám vào mái tóc của cô nữ sinh, cô nàng cố gỡ mãi mà không sao giằng ra nổi, anh bạn trai ở bên cạnh cũng áp sát vào giúp một tay, ai ngờ càng gỡ càng rối, tận đến lúc đầu tóc cô gái bù xù hết cả, họ vẫn không tài nào bỏ được cái thứ của nợ đó ra nổi. Kỉ Đình vốn định trách móc Chỉ An, nhưng nhìn thấy cảnh ấy, lại cảm thấy không kìm được, suýt thì bật cười thành tiếng, Chỉ An ở bên cũng bụm miệng lại, vô cùng vui thích.
Hai đứa trẻ con bật cười vì trò nghịch ác thành công, còn đôi tình nhân ở dưới, sau khi gỡ được quả gai quái quỷ, liền nhất loạt hằn học nhìn về hướng bọn Kỉ Đình, anh chàng nam sinh còn dấn mấy bước về chỗ họ, dằn một câu, “Đứa nào?”. Chỉ An với Kỉ Đình lập tức im phăng phắc, không dám động cựa, đám cây lá rậm rạp ngay trước mắt chính là tấm màn chắn tốt nhất lúc này.
Anh chàng kia ngó quanh quất một chặp, tuy đoán được đứa bày trò tai quái đang náu trên mô đất, nhưng chỗ lối hẹp ấy không thể trèo lên được, nếu muốn cũng phải đi một đoạn dài mới đến được chỗ nấp của bọn Chỉ An, đây cũng chính là một trong những lý do khiến Chỉ An bày trò chẳng kiêng nể gì. Kỉ Đình lúc ấy không biết những điều này, cậu chỉ thấy quả tim trong lồng ngực như chực nhảy ra ngoài, tận đến lúc nghe thấy tiếng bước chân người kia đã đi xa dần, mới thở phào một hơi nhẹ nhõm. Vừa nhổm người dậy, cậu áy náy nhận ra rằng, trong lòng mình hóa ra chỉ tràn trề thứ cảm giác vui sướng hả hê vì đã bày được cái trò nghịch phá ấy, nỗi buồn bực bức bách ban đầu đã lui dần. Chỉ An cũng ngồi dậy, cười ha hả, “Cái anh Kỉ Đình này đúng là đồ ngốc, suýt thì bị bọn họ nhìn thấy rồi”.
Kỉ Đình đáp, vẻ không phục, “Em mà chả vậy hay sao, vừa rồi cười to thế, nếu không làm sao bọn họ nhìn lên được”.
“Anh đã nhìn thấy cái đầu rối như tổ quạ của bà chị đấy chưa?” Chỉ An cười bảo. Kỉ Đình nhớ lại, không nhịn nổi bèn cười phá lên. Cười xong, cậu thuận tay gỡ chiếc lá khô vướng trên tóc Chỉ An, “Hóa ra em chạy ra đây, mọi người ở nhà bảo là chẳng thấy em đâu cả”.
Chỉ An đang đà nằm xoài ra thảm cỏ, “Anh đến nói dối cũng chẳng ra hồn. Trừ chị Chỉ Di ra, bọn họ đâu thèm đi tìm em. Bọn họ chỉ biết nói mỗi câu, Mạn này còn đứa nào thạo đường hơn con bé nữa? Chơi mệt rồi nó khắc mò về ngay ấy mà”. Cô bé lấy một cọng cỏ ngậm vào miệng, dưới ánh mặt trời vàng vọt buổi hoàng hôn, trên gương mặt cô bé thấp thoáng vạt tối đẹp đẽ vô chừng.
Kỉ Đình không có cách nào phản bác lại cô bé, bởi vì cô nói chẳng hề sai, thế nên cậu chỉ đành bảo, “Thực ra chú dì cũng thương em lắm, sao em cứ thích chọc giận bố mẹ, chẳng lẽ không nghe lời được một tí hay sao?”.
Chỉ An cười phì một tiếng, phun nhành cỏ đang ngậm trong miệng ra ngoài, “Thương em á? Mắt họ chẳng bao giờ nhìn thấy em đâu. Từ lúc em còn bé họ đã chỉ biết nói mỗi một câu: Chỉ Di thích cái này, thế thì cũng cho con Chỉ An một cái đi, thế nên những thứ chị Chỉ Di có thì em cũng có, nhưng mà những cái đấy xưa nay có phải đồ em thích đâu. Dì Uông Phàm của anh ý mà, từ lúc em còn bé tí chưa một lần ôm em vào lòng, cũng chưa bao gời quát mắng em, trong mắt mẹ em chỉ có mỗi Chỉ Di thôi. Lúc còn nhỏ, em cứ nghĩ là em chưa đủ ngoan, thế nên cái gì em cũng phải cố giỏi hơn Chỉ Di, kết quả học tập của em tốt hơn, môn Thể dục cũng giỏi hơn, em chỉ mong bố mẹ em nói một câu: Chỉ An cừ thật! Thế nhưng bọn họ chỉ biết nói mỗi câu: Chỉ Di, không sao đâu con, kết quả chưa cao cũng chẳng sao cả, sức khỏe còn yếu thì chịu khó nghỉ ngơi, bất kể thế nào con cũng vẫn là cục cưng của bố mẹ. Có lần em được thưởng bông hoa đỏ, hớn hở đem về khoe với bố mẹ, họ chỉ liếc qua một cái rồi quẳng sang một bên, Chỉ Di không được bông hoa đỏ, nhưng bố mẹ lại ôm chị ấy vào lòng. Về sau em mới hiểu, một khi họ đã không ưa rồi, thì cho dù em có ngoan có giỏi đến đâu họ cũng chẳng coi ra gì, thế thì vì sao em phải cố làm vừa lòng bố mẹ chứ? Bố em chỉ đến lúc mắng em mới chịu nhìn em bằng cả hai con mắt thôi”.
“Làm sao thế được, em cũng là con gái của chú dì mà, trên đời này làm gì có bố mẹ nào lại không thương con?” Kỉ Đình vỗ về cô bé, nhưng chính cậu cũng cảm thấy những lời lẽ của mình thật gượng gạo.
Chỉ An cười cười vẻ kỳ quái, “Anh không biết đâu, có nhiều việc em hiểu tại sao đấy”. Thế nhưng cô bé không nói tiếp nữa, mà lại cười khẩy hỏi rằng, “Anh bảo là muốn em ngoan ngoãn một tí, thế cái tấm gương luôn nghe lời người lớn là anh đây lại đi trốn vào cái góc này để xâu xé cuốn băng làm gì thế?”.
Sắc mặt Kỉ Đình thoắt tối sầm lại, “Có lúc anh cũng chẳng biết mình muốn làm gì nữa”.
“Chắc anh bị say rượu đấy mà, thật xấu hổ, có mỗi một chén rượu mà ra thế này.” Khuôn mặt nhỏ nhắn của Chỉ An hiện lên vẻ khinh bỉ.
Nói đến đây, mặt mũi Kỉ Đình đỏ lựng lên, “Anh nghĩ chắc là anh không uống được rượu thật”.
“Ai chuốc anh đâu, là tự anh cuống cà kê uống ực một hơi đấy chứ.” Chỉ An một tay chống đầu, tay kia đẩy cậu một cái, hỏi rằng, “Nói đi, rượu có vị thế nào?”
Kỉ Đình ngượng nghịu bảo, “Chẳng phải em cũng nếm một tí rồi đấy thôi”.
“Em chỉ nhấp môi thôi mà. Đừng lắm lời. Nói mau, rốt cuộc là vị thế nào?”
“Ừ, cay cay, đắng đắng… Có điều cũng hơi ngòn ngọt.”
Hai đứa trẻ con nằm duỗi trên thảm cỏ, ngắm nhìn bóng đêm đang dần dà nuốt trọn cả vầng dương đang lặn.
“Trời sắp tối rồi đấy.” Kỉ Đình thoắt chột dạ, bảo Chỉ An, “Chỉ An, có phải hồi bé em sợ bóng tối lắm phải không?”
Chỉ An làm như không hề nghe thấy lời của cậu, Kỉ Đình nhắc lại một lượt nữa, lần này mới nghe thấy cô nàng “Hứ” một tiếng, bảo rằng, “Em mà thèm giống kẻ nhát chết như anh à, em thích nhất buổi tối, lúc trời chạng vạng, không nhìn rõ gì nữa, trò gì cũng có thể làm được, cái gì cũng có thể mặc kệ hết”. Nói xong, cô bé đột nhiên thở hắt một hơi, khuôn mặt bé xíu nhăn tít lại.
Vẻ mặt của cô bé làm Kỉ Đình hoảng hốt, vội lập cập hỏi, “Sao thế? Em khó chịu chỗ nào à?”
Chỉ An nghiến răng ngồi dậy, “Chết rồi, em đau bụng quá!”.
“Làm thế nào bây giờ? Đau lắm à? Anh em mình đi về nhà đi.” Kỉ Đình cố hết sức dìu cô bé dậy, nhờ chút tia sáng còn sót lại, nhìn thấy đằng sau bộ váy đồng phục màu xanh nhạt mà Chỉ An mặc riêng cho lễ tốt nghiệp hôm nay có một vết loang sẫm màu.
Cậu không nghĩ ngợi gì nhiều, lấy tay quệt một lượt lên trên đó, đưa ngón tay lên mũi ngửi, thấy xộc lên hơi máu tanh, bất giác kinh hãi thất sắc, “Thôi chết rồi, Chỉ An, em bị chảy nhiều máu quá”.
Chỉ An cũng sợ cuống cả lên, túm váy lên ngó ngó, đầu tiên là sững sờ, “Cái gì thế này?”, sau đó cô bé như thể nhớ ra điều gì đó, liền thở hắt một lần nữa mà thét lên, “Không phải thế chứ!”.
“Cuối cùng là bị làm sao thế?” Kỉ Đình vẫn còn không hiểu đầu đuôi, lo lắng vô chừng, đỡ vai cô bé hỏi, “Rốt cuộc tại sao lại chảy máu thế?”.
Lời vừa dứt, cậu đã bị Chỉ An hất một cái thật mạnh. Không kịp phòng vệ, cậu lập tức lảo đảo ngã oạch xuống bãi cỏ. Trong ánh hoàng hôn, cậu không nhìn rõ biểu hiện của Chỉ An, chỉ nghe thấy cô bé rít lên, “Kỉ Đình, anh là đồ con lợn!”. Sau đó, cô bé chạy vụt đi luôn.
Kỳ kinh nguyệt đầu tiên của người con gái luôn kéo theo cơn thức tỉnh của một thứ ý thức nào đó vốn tiềm tàng nơi sâu thẳm, sau đó cả thể xác lẫn tinh thần đều giống hệt như nhau, bắt đầu vùn vụt nảy nở.
Tối hôm ấy Chỉ An về đến nhà, vết máu trên váy dù đã cố sức che đậy vẫn không thể thoát khỏi con mắt của Uông Phàm. Uông Phàm hơi sững sờ một chút, nhưng vẫn lấy một gói đồ trong phòng mình ra, đặt lên đầu giường Chỉ An. Bà mẹ trước sau đều im lặng, Chỉ An cũng chẳng hé một lời, có lẽ họ đều hiểu rằng trạng thái câm lặng này không nên nảy sinh giữa mẹ và con gái, nhưng chẳng ai định phá tan cái cảnh bế tắc này.
Uông Phàm dợm bước ra khỏi phòng Chỉ An, nghĩ ngợi thế nào, quay đầu lại nhìn cô bé dường như đang cắm cúi làm bài, bảo rằng, “Con đã bắt đầu lớn rồi đấy, việc gì nên làm, việc gì không nên làm, phải nghĩ cho kỹ càng, đừng có ngỗ ngược không biết điều như hồi xưa nữa”.
Chỉ An không đáp lời, cô bé lấy cục tẩy chà thật mạnh để xóa đi vết chữ trên trang vở bài tập, tận đến lúc trên quyển vở xuất hiện một lỗ thủng, cô mới thầm nghĩ, mình lớn lên thế này vẫn là chậm quá. Chỉ có lớn bổng lên, cô mới có thể tự làm những việc mình muốn.
Đêm xuống, Chỉ Di nằm trên chiếc giường nhỏ bé bên cạnh giường Chỉ An, tò mò hỏi cảm giác của Chỉ An ra sao, Chỉ An buột miệng nói một câu: Chẳng thấy gì cả.
Với những cô nàng ở tuổi này, lần kinh nguyệt đầu tiên đem lại cảm giác sợ sệt xen lẫn tò mò, và có lẽ hơn cả là sự chờ đợi. Những cô nàng dậy thì sớm, từ lớp năm đã trải qua cái “Nghi lễ trưởng thành của con gái” này rồi, từ trong cái thần sắc ngập ngừng muốn nói lại thôi của họ, luôn có một tia sướng vui giấu giếm. Chỉ Di nghĩ, mình tuy là chị, thế nhưng cái gì cũng không bằng Chỉ An, đến việc trở thành một cô gái cho toàn vẹn, cũng rớt lại đằng sau em mình. Đương nhiên, cô bé cũng chẳng ganh tị với em làm gì, chỉ là trong lòng có đôi chút bồn chồn, không biết đến lúc nào, cô mới có thể trở thành một người con gái khôn lớn đây. Thế nhưng trở thành một cô gái đã lớn khôn thì sao chứ, phải chăng là sẽ tiếp tục trở thành phụ nữ? Một người phụ nữ thuộc về một người đàn ông? Cô thốt nhiên nhớ đến bóng dáng đứng trên bục nhận phần thưởng ngày hôm nay, gương mặt sáng sủa ấy, nét mày thanh tú ấy… Tựa hồ bị chính nỗi lòng sâu kín của mình châm nhói, Chỉ Di vội đưa hai tay kéo chăn trùm kín đầu. Trong bóng tối hun hút, cô bé bỗng nhiên sợ hãi mơ hồi, nếu “cái ấy” mãi không chịu đến thì sẽ ra sao, cô có trở thành một người con gái cho toàn vẹn được không?
......................................................
Bạn đang đoc truyện tại chúc các bạn vui vẻ
.........................................................
Chương 4 (1). Thể Xác Cùng Tâm Tư Tuổi Dậy Thì.
Nỗi lo âu giấu kín trong lòng Chỉ Di kéo dài tận hơn một năm ròng, cuối cùng vào một ngày chẳng hề có điểm gì hẹn trước, cô bé đã đón nhận kỳ “nhuốm đỏ” đầu tiên trong đời. Một thân một mình trốn trong nhà vệ sinh, cô bé vừa ngượng nghịu, lại vừa như trút được gánh nặng. Lúc đi ra, cô bé lấm lét kéo mẹ vào phòng, kể cho mẹ nghe bí mật ấy. Uông Phàm xoa lên mái tóc tơ mềm mại của Chỉ Di, thốt lên, “Các con đều lớn cả rồi đấy!”.
Đúng vậy, các cô con gái đã bắt đầu trưởng thành. Chỉ Di cảm thấy cơ thể mình mỗi ngày đều biến đổi, tuy cái biến đổi ấy chỉ chậm rãi từ từ, nhưng cô vẫn cảm nhận được. Cô giống hệt một hạt mầm trải qua cả mùa đông trong đất bùn của nhà kính đang cố sức nảy mầm. Cô cao thêm một chút, nhưng thứ khiến cô ngại ngùng nhất chính là khuôn ngực cũng đang dần dà nảy nở, có đôi chút đớn đau nhoi nhói, lẽ nào đây chính là dấu hiệu của tuổi trưởng thành? Với những biến đổi này, Chỉ Di luôn cảm thấy không thể nào quen cho nổi, có lúc cô ngắm mình trong gương, cơ hồ chẳng còn thấy đâu dáng vẻ ngày xưa nữa, nhưng nhìn kĩ lại thì hình như chẳng thay đổi là mấy, vẫn mặt mũi nhạt nhòa, mơ hồ như thể bị phủ một lớp sương mù. Cô nài nỉ mẹ mua cho bộ đồng phục rộng hơn một cỡ, tính che giấu đi những đường cong dần dà lồ lộ; cô bắt đầu phải lòng những cuốn tiểu thuyết có lối viết lách khổ đau kể lể, chọn những loại thi từ ai oán mà thuộc nằm lòng, rồi sau vô duyên vô cớ thương cảm sụt sùi. Từ Thục Vân - mẹ của Kỉ Đình - vốn là Phó Giáo sư khoa Văn, chuyên ngành Văn học cổ điển Trung Hoa, trong nhà có hẳn một tủ sách cao ngất, Chỉ Di thích qua thư phòng nhà họ Kỉ, thế nhưng không hiểu sao, càng lớn lên, những lúc nhìn thấy Kỉ Đình cô lại càng lúng túng, không biết phải để tay chân vào đâu cho đỡ thừa – rõ ràng là cô mong chờ khôn lớn chỉ vì anh chàng ấy mà thôi. Kỉ Đình lúc này đã tốt nghiệp cấp ba, ra dáng một chàng thanh niên lắm rồi, tuy cậu vẫn chăm chút ân cần với Chỉ Di như thuở bé, nhưng họ không còn ngày ngày lên lớp rồi đi về cùng nhau nữa. Thế nên cho dù phát hiện ra những biến đổi ở cô gái nhỏ, cậu cũng chẳng có bụng dạ nào mà đi tìm tòi nguyên cớ bên trong, cậu chỉ biết là bây giờ, trước mặt cậu, có lúc Chỉ Di hệt như một con thỏ non bị kinh động, hỏi cô bé phải chăng là có tâm sự gì, cô đều nói không phải, cậu cũng chỉ cười cười để mặc cô bé mà thôi.
Mỗi lúc nhìn thấy bóng dáng của Kỉ Đình, Chỉ Di đều thầm trách móc bản thân mình vô dụng, rất nhiều lần, một mình ngắm nghía mấy chú cá vàng tung tăng múa lượn giữa làn nước, cô bé đều hỏi bọn chúng: vì đâu cô chẳng thể như Chỉ An, giống hệt một cây con mọc hoang, thỏa thuê vô chừng, mặc sức mà đâm cành trổ lá. Chỉ An lúc mười lăm tuổi đã cao hơn một mét sáu mươi ba, cô bé tuy không phải nữ sinh cao nhất lớp, nhưng bất kể là bạn học nam hay nữ, trông thấy cô cơ hồ đều phải ngẩng đầu lên. Cô càng lúc càng không giống với Chỉ Di, mặt phượng mảnh dài, gò má hơi cao, sống mũi thẳng tắp, bờ môi hơi mỏng, từng nét trên mặt tách riêng ra thì không có gì là đặc biệt hơn người, thế nhưng hợp lại với nhau, lại có nét sắc sảo lộng lẫy. Vẻ đẹp của Chỉ An là kiểu sinh động, lanh lợi, mang chút lạnh lẽo khắc nghiệt xa cách, đến lúc này cô bé đã cắt phăng mái tóc dài vốn nuôi từ tấm bé, để một kiểu đầu ngắn ngủn hơi lộn xộn, nhưng không những không giống một đứa con gái giả trai, ngược lại càng tôn thêm các nét trên khuôn mặt nhỏ nhắn. Dáng người cô bé dong dỏng mảnh mai, không giống với vẻ đẹp đẫy đà nở nang truyền thống, thế nhưng bất kể đi đến nơi nào, cô cũng đều rướn thẳng lưng, cằm hơi hất lên, bởi vì đến tuổi này cô đã ý thức được vẻ đẹp của mình.
Khi nhìn người ta, Chỉ An luôn nheo nheo đôi mắt vốn dĩ dài mảnh xinh đẹp, không kiêng dè ngần ngại mà dò xét người trước mặt. Thế nên, cho dù từ nhỏ kết quả học tập có nổi trội, cô cũng chẳng phải đứa trẻ được người lớn yêu quý, đặc biệt là các cô, các bác trong khu tập thể cán bộ công nhân viên. Bọn họ lúc trà dư tửu hậu thường lấy giọng điều vừa khinh ghét vừa tiếc rẻ mà bàn tán về đứa con gái nhỏ nhà ông giáo Cố. Như bọn họ thấy, Chỉ An mới tí tuổi đầu mà mắt mũi đã sáng quắc, như thể muốn móc cả linh hồn người ta ra, nội điều đó thôi đã là một cái tội, huống hồ tính tình thì ngông nghênh phóng túng, đúng một thành phần bất hảo.
Đương nhiên, đó chỉ là những lời đàm tiếu sau lưng thôi, tính khí của Chỉ An thì người quanh vùng nay ai ai cũng biết, không ai động vào cô thì cô cũng chẳng động vào ai, thế nhưng đắc tội với cô là cô quyết báo thù đến cùng, cô chưa kiêng dè ai bao giờ cả. Mấy năm gần đây, sự kìm kẹp của vợ chồng Cố Duy Trinh đối với Chỉ An càng lúc càng bất lực, cô bé mềm cứng đều không nghe, ai khuyên giải ra sao cũng đều không lọt tai, chỉ khăng khăng làm những việc mình muốn. Cũng may cô vẫn là người có đầu óc tỉnh táo, biết cái gì là tốt cho mình, thế nên tuy uốn nắn chẳng dễ dàng gì, nhưng trong suốt quá trình trưởng thành, cô chẳng hề sai sót nhầm lẫn lấy một bước, ngoài cái thói tùy tiện ngông cuồng thì Chỉ An từ nhỏ vẫn luôn là một đứa bé học hành giỏi giang, không khiến ai phải bận tâm.
Đương nhiên, nguyên nhân khiến các chị em phụ nữ trong khu ghét cay ghét đắng cô bé như thế không hẳn vì dung mạo hay tính khí của cô, mà vì mấy thằng con, thằng cháu đang tuổi nhỡ nhồng trong nhà họ lại cứ như ăn phải bùa phải bả của “con yêu tinh” đấy. Đám con trai từ bé nghịch ngợm chơi đùa với Chỉ An, bây giờ đều đã trở thành những chàng khờ mặt mày đỏ lựng trước cô bé, đến cả thằng béo đã từng bị cô bé nhảy lên người đánh đấm cho khóc thét bao nhiêu lần, giờ vớ được thứ gì hay ho cũng phải nghĩ ngợi khổ sở cả ngày xem có cách nào khiến Chỉ An chịu nhận không.
Không ai rõ hơn Chỉ An về sức hấp dẫn của cô trong mắt đám con trai, thế nhưng cô lại chẳng hề cảm thấy đây là thứ gì nên giấu giếm hay đè nén, cô vui sướng trước ánh mắt thèm thuồng của bọn chúng, rồi vận dụng ma lực của mình vừa chặt chẽ vừa khéo léo. Cô bé chẳng lại gần ai cả, thế nhưng đứa nào cũng ngỡ rằng cái xa cách của cô bé là đặc biệt lắm. Thi thoảng cô cũng thấy thinh thích một cậu trai nào đó. Dù đối tượng là người cao ngạo, lặng lẽ, ngọt ngào êm ái hay đã có người thương, một khi đã thích là cô quyết chinh phục bằng được. Những đối tượng càng khó sáp lại thì cô càng thích sáp lại gần, hơn nữa không giành được quyết không từ bỏ. Cô nàng Cố Chỉ An mười lăm tuổi đầu đã hệt như thuốc phiện, rõ ràng biết là không được phép đụng vào đấy, thế mà vẫn luôn có người lao vào vồ vập cho đã cơn thèm khát.
Chương 4 (2). Thể Xác Cùng Tâm Tư Tuổi Dậy Thì.
“Kỉ Đình, cậu xem ai đến kìa, chẳng phải là tìm cậu hay sao?” Kỉ Đình bị người bên cạnh vỗ vai đau điếng, đành phải ngẩng đầu đang chống trên tay lên.
Kể cũng đúng là duyên phận, bắt đầu từ hồi lớp năm cậu chuyển đến đây, hết cấp một, cấp hai, suốt một lèo cậu đều học cùng lớp với Lưu Lý Lâm. Có rất nhiều người, kể cả bố mẹ cậu cũng không tài nào giải thích nổi, một nam sinh xuất sắc điềm đạm nho nhã như Kỉ Đình làm thế nào mà lại duy trì được mối giao tình tốt đẹp lâu dài với Lưu Lý Lâm như vậy. Bố mẹ Lưu Lý Lâm vốn là nông dân ở vùng ngoại ô gần trường Đại học G, lúc còn trẻ thì dựa vào nghề cai thầu mà dựng nghiệp, về sau một tay thầu trọn nhà ăn sinh viên của Đại học G, gia cảnh càng lúc càng trở nên giàu có dư dật. Lưu Lý Lâm vốn tính hoạt bát hướng ngoại, từ nhỏ đã có phần nghịch ngợm cứng đầu, thành tích chẳng ra sao, lại lắm lời, mở miệng ra là liến thoắng không biết trời đất là gì. Hồi học cấp hai, cậu chàng có đến nhà Kỉ Đình chơi, cả trong thư phòng, cả trên bàn ăn mồm miệng cậu ta đều to nhất, những “trợ từ” chẳng lấy gì làm sạch sẽ văng ra giữa các từ ngữ cùng những câu chuyện hài hước chẳng buồn cười tí nào khiến cho Kỉ Bồi Văn cùng Từ Thục Vân lẳng lặng nhíu mày. Lúc ấy thì họ chẳng nói gì, nhưng trông thấy hết trung học rồi mà Kỉ Đình với Lưu Lý Lâm vẫn là bạn cùng lớp, lại còn thường xuyên cặp kè bầu bạn với nhau ngoài giờ học, mối giao tình còn khăng khít hơn cả bạn cùng lớp bình thường, bố mẹ Kỉ Đình không nén nổi chút lo âu. Vì việc này mà Kỉ Bồi Văn phải dàn xếp tâm sự riêng với Kỉ Đình, xa gần bóng gió nói với cậu những chủ đề kiểu “Bạn tốt có ba loại”, “Bạn xấu có ba loại” mà Khổng Tử vẫn dạy, thấy cậu quý tử hồi lâu chẳng hé nửa lời, cũng không lý sự gì cả, ông bố bèn tiếp tục, “Người không bằng ta, không nên bầu bạn làm chi, chỉ hại cho ta mà thôi, những cái này mẹ con từ bé đã dạy con đọc thuộc làu làu rồi, con là một đứa trẻ ngoan, nên hiểu cái khổ công dạy dỗ của bố mẹ, người trẻ tuổi, phương hướng nhất định phải nhắm cho chính xác, chọn bạn mà chơi cũng rất quan trọng đấy con ạ”.
Kỉ Đình chỉ cúi gằm mặt nghịch cái bút trong tay – thói quen từ nhỏ của cậu, đợi đến lúc Kỉ Bồi Văn nói xong xuôi rồi, cậu mới đáp lời, “Bố, bố nói đúng lắm ạ, con hiểu ý bố rồi”. Kỉ Bồi Văn mãn nguyện vỗ vỗ vai cậu quý tử đứng dậy, nhưng lại nghe thấy Kỉ Đình nói tiếp, “Có điều, con cũng vẫn nhớ mẹ đã từng dạy con: Kẻ quân tử dung nạp người hiền, nhưng cũng cảm thông với người kém tài. Nếu vốn ta đã là kẻ hiền đức, vậy thì có hạng người nào không dung nạo nổi? Còn như ta vốn đã không hiền đức, thì làm gì có tư cách nói không dung nạo kẻ nào. Bố thấy sao ạ?”.
Lúc ấy, Kỉ Bồi Văn không ngờ cậu con trai lại phản một đòn như thế, ông bố vốn xuất thân ngành Tự nhiên, suy cho cùng không thể nào rành rẽ về món này như vợ được, nên nhất thời không nói gì. Kỉ Đình ngẩng đầu nhìn bố, lại nói thêm một câu nữa, “Bố, chẳng lẽ bố không cảm thấy Khổng Tử rất khốn khổ hay sao? Ông ta chẳng có bạn bè gì cả.” Kỉ Bồi Văn bất giác đưa mắt nhìn con một lượt nữa, Kỉ Đình cao ngồng rồi, đứng lên đã ngang vai với ông, gương mặt nó rất giống mẹ, trắng trẻo tuấn tú, khi nói chuyện giọng điệu ôn hòa. Kỉ Bồi Văn cảm thấy mình càng lúc càng không thể hiểu nổi, phải chăng là con trai đã quá lớn khôn, hay từ trước đến nay chính ông vốn đã chẳng hiểu gì về nó cả?
Suy cho cùng, Kỉ Đình vẫn chẳng giống mấy cậu choai choai đang độ tuổi thiếu niên, liều thân bạt mạng lấy cái việc làm trái ý người lớn ra mà chứng tỏ bản thân, hầu hết thời gian cậu vẫn nhẫn nại lắng nghe những lời dạy bảo của người lớn, có điều những gì cậu đã nhận định chắc chắn rồi thì sẽ luôn khăng khăng kiên định đến cùng. Thế nên cho dù bố mẹ có phê bình kín đáo, tình bạn của cậu với Lưu Lý Lâm trước sau vẫn tiếp tục, tuy không đến mức gọi là tri kỷ, nhưng cũng khá thân thiết. Kỳ thực, cậu cũng không rõ tại sao mình lại kết giao với người có tính cách như Lưu Lý Lâm, nhưng chơi với Lưu Lý Lâm, cậu cảm thấy rất nhẹ nhàng, thoải mái.
Hầu hết thời gian trên lớp, Kỉ Đình đều thích cái tư thế một tay chống đầu, một tay nghịch cây bút, mắt nhìn vào sách vở, có lúc đúng là đang đọc sách thật, có lúc lại lơ đễnh đâu đâu. Tuy sắp tốt nghiệp cấp ba, nhưng cậu chẳng mấy căng thẳng về việc thi cử như các bạn trong lớp, cũng không mong đợi gì. Ngoài nguyên nhân là cậu không phải lo lắng về thành tích ra, cậu cảm thấy kết quả ra sao cũng chẳng có gì khác biệt. Khoa Vật lý Đại học G chính là thế mạnh của trường, chất lượng được xếp vào loại dẫn đầu cả nước, Kỉ Bồi Văn lại là giáo viên hướng dẫn tiến sĩ trong khoa này, cũng chính là chuyên gia hàng đầu cả nước trong lĩnh vực vật lý, chủ trì phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về kết cấu chất ngưng tụ, ông sớm muộn gì cũng tính toán rằng cậu quý tử sẽ nối nghiệp cha, trở thành trợ thủ và cũng là người kế nhiệm đắc lực nhất về mặt học thuật của ông – đó là một việc quá ư bình thường hợp lẽ. Kỉ Bồi Văn thậm chí đã từng nghĩ, với cái tư chất thông minh thiên bẩm và tính cách ổn định ít bị ảnh hưởng bên ngoài của Kỉ Đình, việc con vượt cha trong lĩnh vực này cũng không phải không có khả năng. Đến Lưu Lý Lâm cũng thường nói đùa: trước mặt Kỉ Đình là con đường khoa học vinh quang.
Đối với môn Vật lý, Kỉ Đình không phải không thích, thành tích học tập của cậu đã chứng tỏ điều này, cậu cũng hiểu được tầm cỡ của cha mình, trở thành một học giả được kính nể như cha cũng là một việc tốt đẹp đấy chứ. Nếu như cậu đã được sắp xếp đi theo con đường này, vậy cớ gì còn phải mong chờ nữa? Có lúc cậu cũng nghĩ vơ vẩn trong lòng, nếu hôm thi tốt nghiệp cấp ba ấy, cậu bỗng nhiên đầu hoa óc loạn, hoặc giả gặp cơn bạo bệnh, thế thì cuộc đời của cậu có biến đổi được không? Có lẽ là không, cho dù phải học bù một năm, cậu cũng vẫn sẽ trở thành một “sinh viên đại học xuất sắc”.
Đúng lúc đang ở giữa dòng tâm tư chồng chéo ấy, cậu bị Lưu Lý Lâm thô thiển cắt ngang, bèn tiu nghỉu nhìn ra cửa lớp. Cô nàng Chỉ An tay nắm thứ gì đó đang đứng ngay cửa phòng học của cậu, dáng điệu nghênh ngang, trên người là bộ đồng phục quen thuộc, mép váy hơi quăn, khiến người ta bỗng nhiên nảy ra một suy nghĩ, cô bé này ngay cả lúc mặc một bộ đồng phục nhăn nhúm như thế trông vẫn xinh đẹp lạ lùng.
“Em An xinh đẹp!” Lưu Lý Lâm khẽ huýt sáo, lập tức hết thảy đám bạn học cùng lớp ngẩng đầu lên nhìn cô bé. “Ớ, Kỉ Đình, nói đi chứ, chẳng phải là con bé tìm cậu hay sao?” Cậu chàng vỗ vai Kỉ Đình thêm lần nữa.
Cô bé đến tìm cậu? Kỉ Đình thấy bất ngờ quá. Tuy rằng gia đình cậu với nhà họ Cố có quan hệ thân thiết khiến mọi người nghĩ rằng cậu và hai cô bé gia đình bên đó là bạn thanh mai trúc mã với nhau, nhưng thực ra từ nhỏ đến lớn, chỉ có Chỉ Di với cậu là gần gũi – có điều hai năm trở lại đây, thái độ của Chỉ Di cũng cứ lạ lùng thế nào. Còn Chỉ An, lần tiếp xúc gần nhất giữa cậu với cô bé cũng chỉ là hồi tốt nghiệp cấp hai đó thôi, cậu vẫn còn nhớ buổi chạng vạng hôm ấy, gương mặt cô bé được ánh hoàng hôn nhuộm sắc, cả cái kết ngượng nghịu cuối cùng nữa, thế nhưng khi ấy cậu không hề ngờ đấy lại là “sự kiện đặc biệt” của người con gái… Cậu nhìn cô bé đang đứng ở cửa, thế nhưng ánh mắt của cô lại không hướng về cậu.
“Trần Lang, anh vẫn chưa chịu ra đây à?” Cô bé hướng vào phòng học mà gọi toáng lên. Trần Lang - cậu nam sinh được Chỉ An gọi tên thì cúi mặt cười khẽ một tiếng, dáng bộ hãnh diện, bật dậy từ chỗ ngồi chạy đến bên cô bé.
Lưu Lý Lâm tò mò nhìn Chỉ An đưa món đồ cầm trong tay cho Trần Lang, Trần Lang cười cười đón lấy, hai người cười nói thân mật mấy câu, Lưu Lý Lâm còn đang định tận dụng cái thính lực bén nhạy đáng tự hào để nghe xem hai người rốt cuộc đang nói gì, nào ngờ một vật thể bay không xác định bắn thẳng vào mặt cậu, làm cậu chàng sợ quá hét toáng lên. Đến lúc ôm mặt nhặt món “hung khí” lên, cậu mới biết đấy chính là cái bút bi lúc trước Kỉ Đình vẫn còn đang nghịch ngợm quay quay trên tay. Lý Lâm bực bội đập cái bút xuống trước mặt Kỉ Đình, chỉ thấy Kỉ Đình nở nụ cười đượm vẻ hối lỗi, đến lúc quay người lại nhòm ngó tình hình ở cửa lớp học thì Trần Lang đã quay về chỗ ngồi, Chỉ An cũng không còn ở chỗ cũ nữa. Cậu chàng có chút thất vọng, không biết mình có để lỡ mất cảnh gì hay ho không, bèn nói với Kỉ Đình, “Tớ cứ ngỡ Cố Chỉ An đến tìm cậu cơ, không ngờ là tìm thằng đấy, trông hai đứa nó có vẻ thân thiết thế”.
Kỉ Đình tiếp tục ngó ngoáy cái bút của mình, làn mi phủ bóng xuống đôi mắt, “Con bé đến tìm tớ làm gì?”.
“Ơ, bọn cậu chẳng phải là bạn thanh mai trúc mã hay sao?” Lưu Lý Lâm kinh ngạc hỏi dò.
“Vớ vẩn, chỉ là quan hệ của bố tớ với nhà bên đó rất khăng khít thôi.”
“Thế cậu với cô chị của Chỉ An, tên là gì ấy nhỉ… Phải rồi, Cố Chỉ Di, chẳng phải vẫn thân thiết đấy thôi, hồi trước lúc tan học hai người còn hay đi với nhau nữa.”
“Đấy là hồi bé, sức khỏe của Chỉ Di không tốt, đương nhiên tớ phải chăm sóc cô bé cẩn thận”, Kỉ Đình đáp lời.
Lưu Lý Lâm không hỏi han lằng nhằng nữa, chỉ chép chép miệng mà rằng, “Nói thật chứ, chỉ có đồ ngốc như cậu mới không tận dụng cơ hội thôi, nếu mà bố tớ với nhà họ Cố thân thiết như thế, tớ nhất định…”.
“Nhất định cái gì?” Kỉ Đình bật cười, “Con gái nhà người ta mới tí tuổi đầu, cậu nghĩ ngợi lung tung gì thế?”.
“Còn bé bỏng gì nữa? Hic hic, chờ đến lúc em ấy thành thiếu nữ, rực rỡ như hoa thì đã bị người ta hái phéng mất rồi, vừa nãy cậu không trông thấy cái vẻ thân thiết của con bé với Trần Lang hay sao?” Lưu Lý Lâm tỏ nỗi xót xa của kẻ ngoài cuộc mà nhấn mạnh với Kỉ Đình.
Kỉ Đình vẫn giữ nguyên tư thế cúi đầu đọc sách, “Con bé thích chơi với ai, có liên quan gì đến bọn mình đâu”.
“Sao lại không liên quan? Ui chao… Tớ thích cái vẻ ngoài của Cố Chỉ An đến thế chứ!” Lưu Lý Lâm ôm cằm tỏ vẻ ngưỡng mô vô ngần.
Lần này Kỉ Đình lom lom dòm cậu ta, vẻ mặt có đôi phần kinh ngạc, “Cậu… thích Chỉ An à?”.
Lưu Lý Lâm vê vê cằm, cười bảo, “Lòng yêu cái đẹp ai mà chả có, nhưng mà nói thật, cái kiểu như cô nàng Cố Chỉ An này, nhìn xa xa thôi thì lòng dạ háo sắc cũng đã phải nguội lạnh ngay, không thể áp sát được, chỉ cần nhìn vào đôi mắt của em ấy, tớ cũng đã thấy trong lòng hốt hoảng. Tớ chỉ không hiểu được, sao em ấy lại chơi với thằng Trần Lang đấy là sao?”.
“Viêc không dính dáng gì đến mình, tốt hơn hết là đừng lắm lời.” Kỉ Đình lãnh đạm đáp, thần sắc ngữ khí vẫn cứ ôn hòa bình tĩnh như bấy nay.
Lưu Lý Lâm từ trước đến giờ chẳng ưa gì Trần Lang, không phải vì giữa hai người có điều gì bất hòa, mà nói chung chỉ là thói ganh ghét giữa những kẻ nam giới với nhau. Trần Lang cũng giống Kỉ Đình, là con cái giáo viên trong trường, bố cậu là Phó hiệu trưởng Đại học G, mẹ cậu là Chủ tịch công đoàn trường, cậu nắm trong tay hết thảy những ưu thế: điều kiện gia đình thuận lợi, ngoại hình cao ráo đẹp trai, thành tích tốt, chơi bóng chuyền cừ khôi - những điều mà các nam sinh đồng trang lứa phải mơ ước, điều quan trọng hơn là, từ nhỏ cậu đã học vẽ, nhiều lần đoạt giải thưởng trong các kỳ thi vẽ tranh dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên trong thành phố. Vậy nên vẻ kiêu hãnh và thanh cao của cậu cũng không khó lý giải, đặc biệt đám nữ sinh trong trường còn cho rằng như thế mới là cool. Trái lại, Lưu Lý Lâm chẳng coi Trần Lang ra gì, cậu chàng vẫn hay nói với Kỉ Đình rằng, “Cool cái con khỉ, cái kiểu của nó ấy mà, chả biết là cun hay cút!”. Kỉ Đình nghe xong, lần nào cũng chỉ lắc đầu cười lấy lệ.
Kỉ Đình và Trần Lang đều là những cậu nam sinh khiến người ta phải để mắt chú ý, nếu như Trần Lang là một bức sơn dầu giá trị thì Kỉ Đình lại là một tấm giấy xuyến chỉ Trừng Tâm Đường cao quý, trắng trẻo, mềm mại, mát lạnh, thứ giấy phải dùng đến loại nước tan ra từ băng lạnh tiết tháng Chạp gột nên, khiến người ta thành kính ngưỡng mộ, không nỡ lòng xuống bút. Nhiều người cho rằng, hiếm khi gặp được cậu con trai nào vừa có hơi hướm sách vở thâm trầm tĩnh lặng, lại không vương vấn chút phấn hương như Kỉ Đình, đây có lẽ chính là khí chất lắng đọng từ mấy đời thư hương của gia đình cậu.
Không ít các cô nữ sinh trong lớp và cả trong khối rất thích thì thào so bì Trần Lang và Kỉ Đình, mỗi người bọn họ đều có những kẻ ái mộ riêng, Kỉ Đình nghe Lưu Lý Lâm kể lại mấy chuyện này, chỉ cười cười chẳng nói chẳng rằng. Cậu không hề ghét Trần Lang, bởi vì nếu nhất định phải so sánh giữa hai người, cậu ghét chính mình hơn.
Nếu thấy hay hãy chia sẻ bài viết cho bạn bè cùng biết nhé